.

Internet và những hệ lụy

.

Bên cạnh những tiện ích đối với đời sống, nhiều hệ lụy đã nảy sinh từ thế giới ảo Internet. Thực tế, có biết bao câu chuyện buồn về “ma lực” của các trò chơi trên mạng đã đưa đẩy nhiều thanh-thiếu niên vào con đường phạm tội. Và cũng không ít cô gái bị lừa khi làm quen trên mạng mà không biết thật hư bạn chat của mình là ai.

Tại các tiệm Internet, hầu hết các bạn trẻ lên mạng đều chơi game. (Ảnh mang tính minh họa)
Tại các tiệm Internet, hầu hết các bạn trẻ lên mạng đều chơi game. (Ảnh mang tính minh họa)

Kỳ 1: Từ game online đến... phạm tội

Báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng liên quan đến game online và mạng Internet diễn biến phức tạp. Đã có hàng chục trường hợp bị cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố và xử phạt hành chính.

“Ma lực” từ thế giới ảo

Trong vai “game thủ”, chúng tôi lân la nhiều tiệm Internet trên địa bàn thành phố để thâm nhập thế giới của những “con nghiện game”. Mới 8 giờ, các tiệm Internet ở đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) đã đông nghịt khách. Phải mất gần 30 phút tôi mới “xí” được một chỗ ngồi. Hai dãy vi tính được trang bị màn hình phẳng, bàn phím với những ký tự đã bị bong tróc, các “game thủ” vẫn say sưa luyện theo mức thẻ game, chứ không đơn thuần là những trò chơi có sẵn trên mạng. Tập tễnh chơi những trò chơi đơn giản, tôi được một bạn chat chỉ cách chơi trò bạo lực như bắn súng, đánh nhau. Hai dãy ghế, những cô cậu tuổi từ 15 - 20 mắt căng theo từng động tác trong thế giới ảo, hai tay bấm lia lịa. Phan Văn H. (trú quận Thanh Khê, học lớp 11) ngồi cạnh tôi, hai tay “chạy” điêu luyện trên bàn phím mà không một phút liếc mắt xuống tìm ký tự. Khi nghe tôi tấm tắc khen là “game thủ tài ba”, H. cười tít mắt cho biết: “Em nghiện game đã mấy năm nay. Bố mẹ ngăn cấm dữ lắm và cắt hết mọi khoản tiêu vặt. Em đành nói dối bố mẹ đi học thêm mới có thời gian và có tiền vào mạng. Em lỡ “nghiện” và thấy sảng khoái khi hóa thân vào nhân vật nên game không thể thiếu trong cuộc sống của mình...”.

Cũng như H., Lê Ngọc N. (trú quận Hải Châu) chơi game tại đường Ông Ích Khiêm cũng thuộc loại sành điệu. “Thành tích” nổi bật của N. là nhiều năm liền học lực trung bình, có những năm phải thi lại. Dù ba mẹ cấm đoán nhưng N. luôn tìm cách trốn học để chơi game vì theo cậu học trò này, trong thế giới ấy, cậu được trở thành “người hùng đâm chém”.

Những ngày lân la các tiệm Internet, bắt chuyện với một số bạn trẻ, tôi đã nghe họ tâm sự về nỗi buồn do thế giới ảo gây ra. “Em nghiện game từ khi còn học cấp 3 nhưng may mắn thi đỗ ĐH Huế. Học tại Huế, không có ba mẹ quản lý nên như cá gặp nước, em mê chơi mà quên cả học. Kết cục cho những tháng ngày luyện game là nợ bài vở quá nhiều, em bị nhà trường đuổi học”, M. (trú quận Ngũ Hành Sơn) nói trong nuối tiếc.

Không mất cả tương lai như M., nhưng Nguyễn Văn T. (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, sống tại quận Liên Chiểu) cũng đã có bài học nhớ đời. T. kể, em vốn là học sinh giỏi cấp tỉnh. Khi trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, T. chăm chỉ học để nhận học bổng. Đến năm thứ 3, T. bị bạn bè chế giễu rằng “quê một cục” và không biết cách giải trí. Thế là T. bị cuốn vào sự rủ rê của bạn bè với game online. Ban đầu chơi cho vui nhưng sau thì mê thật. Hậu quả, T. ở lại lớp đến 3 năm, đến khi ba mẹ không gửi tiền nuôi nữa thì T. mới tỉnh ra. “Ra trường 2 năm rồi nhưng em vẫn ám ảnh với những trò chơi trong thế giới ảo. Đúng là “ma lực” của thế giới ảo khiến khó có thể dứt bỏ được, chẳng khác gì như nghiện ma túy. Vì vậy, với người không có nghị lực thì có thể đánh đổ tương lai”, T. nói.

Từ luyện game đến... luyện nghề hai ngón

Nguyễn Văn T. (18 tuổi, trú tổ 27, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và Lê H. (13 tuổi, trú tổ 28, phường Hòa Hiệp Nam) dù chênh lệch tuổi tác, nhưng là đôi bạn gắn bó với game online từ nhỏ. Vì không được bố mẹ quản lý nên T. và H. suốt ngày rủ nhau đến tiệm Internet. Mỗi lần chơi, cả hai ngồi từ sáng đến nửa đêm mới về. Thời gian gần đây, do không xin được tiền từ bố mẹ, lại không được chủ tiệm Internet cho ký nợ nên T. và H. bàn bạc với nhau đi trộm cắp tài sản. Chỉ trong vòng từ tháng 6 đến cuối tháng 7-2012,  T. và H. đã lấy cắp 10 chiếc xe máy trên địa bàn quận Liên Chiểu, tiền kiếm được sau mỗi phi vụ đều được “nướng” vào game.

Một trường hợp khác là Phan Phú N. (15 tuổi, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ mải mê làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống nên không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái, N. học hành ngày càng giảm sút vì mê game. Theo Công an quận Sơn Trà, N. thường xuyên có mặt trên mạng Internet. Số tiền “vét” từ mẹ không đủ để thỏa mãn những trò bạo lực đang ngày càng thu hút, N. quyết tâm làm một “quả” để kiếm tiền chơi game cho thỏa thích. Khi thấy anh Trương Duy T. (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) dựng xe trước tiệm Internet ở đường Khúc Hạo, N. đã lấy cắp, mang đi tiêu thụ ở đường Trần Cao Vân thì bị bắt giữ.

Một nhóm tội phạm đều trú ở quận Sơn Trà vừa bị Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bắt giữ vào giữa tháng 4-2012 bao gồm: Nguyễn Minh Quân (16 tuổi, trú phường An Hải Đông); Nguyễn Văn Phương (18 tuổi, trú phường Mân Thái); Ngô Văn Lâm (16 tuổi, trú phường An Hải Đông) và Phan Văn Phước (16 tuổi, trú phường An Hải Tây). Trong thời gian rất ngắn, nhóm đối tượng này đã trộm 13 xe đạp và 100 quần jeans của sinh viên tại các dãy nhà trọ trên địa bàn phường Mỹ An chỉ để có tiền chơi game.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.