.

Internet và những hệ lụy - Kỳ cuối: Giải pháp nào để ngăn chặn?

.

Việc lạm dụng Internet vào những mục đích không tốt đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Để ngăn chặn điều này, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và cả bản thân những người trong cuộc.

Game bạo lực luôn luôn tạo ra cảm giác mạnh cho người chơi.
Game bạo lực luôn luôn tạo ra cảm giác mạnh cho người chơi.

Phối hợp từ nhiều phía

Thạc sĩ Bùi Văn Vân, Trưởng Khoa Tâm lý - giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) quan ngại: “Người nghiện game rất dễ dẫn đến tình trạng lệch lạc trong nhận thức và lối sống. Về tâm lý, khi nghiện game có thể có kiểu hành xử nhầm lẫn giữa trò chơi và đời sống thực. Đó là lý do vì sao nhiều bạn trẻ hiện có cách hành xử rất bất thường như: bỏ nhà đi hoang, sống tụ tập, sẵn sàng trộm cắp, cướp bóc, giết người. Trẻ em khi nghiện game sẽ trở nên hung hăng hơn, thường tỏ ra xung đột với người lớn và và học hành giảm sút, sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn”. Còn theo các bác sĩ, do suốt ngày nghiền ngẫm game mà không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, con người dễ bị trầm cảm, stress và mắc nhiều chứng bệnh khác.

Luật sư Nguyễn Thành Đá - Đoàn luật sư Phạm Xuân Tích và Đại úy Lê Văn Tín - Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Liên Chiểu chia sẻ: “Việc kết giao bạn bè qua Internet cũng là con dao hai lưỡi. Trong quá trình online, các đối tượng có hành vi xấu, luôn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bạn chat để thực hiện các hành vi lừa đảo, nhất là với những thiếu nữ mới lớn, ăn chơi, đua đòi; nhẹ thì chiếm đoạt tài sản; nặng thì lừa tình, cưỡng bức, hiếp dâm”. Cũng theo ông  Đá, phim sex, hình ảnh khiêu dâm tràn lan trên các trang web “đen” khiến lứa tuổi vị thành niên tò mò và làm theo. Điều này lý giải vì sao số vụ cưỡng bức, hiếp dâm tăng cao. Do đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần phải phối hợp nhịp nhàng để ngăn chặn những mặt trái của Internet. Trong đó, quan trọng nhất là bố mẹ phải quản lý tốt con cái, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, định hướng cho con những điều hay, lẽ phải, tránh sa vào cạm bẫy trên mạng. Đối với nhà trường, phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, tạo ra những sân chơi lành mạnh cho học sinh. Các cấp chính quyền, nhất là lực lượng Công an, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho lứa tuổi này... Và quan trọng hơn là những người trong cuộc cần nhận thức thế nào là đúng, đâu là giới hạn để không bị lệ thuộc vào Internet.

Quản lý chặt các dịch vụ Internet

Theo quy định, các dịch vụ Internet công cộng phải đóng cửa trước 23 giờ. Tuy nhiên thực tế thời gian gần đây, việc các tiệm Internet vẫn lén lút hoạt động sau 23 giờ diễn ra khá phổ biến. Khi bị cơ quan chức năng xử phạt, họ tìm mọi cách để biện giải. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các đội liên ngành quận, huyện tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục, qua đó xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm, không chỉ xử phạt các đại lý mà phạt cả nhà mạng nếu cung cấp dịch vụ quá 23 giờ. Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, một số tiệm Internet khi đăng ký với nhà mạng thì khai dùng cá nhân nhưng họ lại tự mở dịch vụ Internet nên rất khó xử lý, nhất là đối với nhà mạng. Trong khi đó, một số tiệm gần các trường ĐH, CĐ hoạt động quá khuya, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì ngụy biện đang phục vụ cho sinh viên đăng ký tín chỉ. Ngoài ra, Luật còn quy định: Trẻ em dưới 14 tuổi khi vào tiệm Internet phải có người lớn giám hộ. Nhưng theo thống kê, người dưới 14 tuổi vào mạng, trong đó có chơi game, chiếm hơn 50%, nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý bởi không có chế tài để xử phạt.

Điều đáng quan ngại hơn là hiện nay khi hầu hết các gia đình đều lắp đặt Internet, nếu không có chế độ sinh hoạt đúng mức thì cường độ nghiện game, nghiện chat của các bạn trẻ còn gia tăng. “Bố mẹ phải có những mật khẩu riêng và quản lý chặt chẽ đối với việc con mình vào mạng Internet. Dẫu biết Internet rất hữu ích và không thể thiếu trong đời sống hiện tại, nhưng nếu quá lạm dụng thì hệ lụy đáng tiếc xảy ra là điều khó tránh khỏi”, luật sư Nguyễn Thành Đá khuyến cáo.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.