.

Khi người Cơtu hiến đất

.

Ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, địa bàn xa và khó khăn nhất của huyện Hòa Vang, câu chuyện về 6 người dân Cơtu vừa tự nguyện hiến đất để bà con hàng xóm cất nhà và làm mới những con đường bê-tông như một thành công không chỉ của chính quyền xã mà trong lòng mỗi người dân miền núi ở đây cảm thấy tự hào cho sự hy sinh vì cộng đồng, cho những ước mong bình dị trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Mong ước của anh Trần Văn Hà có ngôi trường khang trang để trẻ em Cơtu trong thôn Giàn Bí nuôi ước mơ tới trường đã thành hiện thực.
Mong ước của anh Trần Văn Hà có ngôi trường khang trang để trẻ em Cơtu trong thôn Giàn Bí nuôi ước mơ tới trường đã thành hiện thực.

Từ hiến đất làm đường

Trong sổ đỏ cấp đất, vợ chồng anh Nguyễn Văn Long và chị Nguyễn Thị Ninh ở thôn Tà Lang có tổng diện tích 442 mét vuông đất ở và đất vườn. Ngay bên cạnh nhà là con đường mòn bằng đất, cỏ mọc um tùm. Hằng ngày, người dân Tà Lang phải men theo con đường này đi bộ vào rừng đốn củi, trồng cây, chăn nuôi trâu bò, heo… Mùa mưa lầy lội, mùa nắng trơ bụi với đất đá lởm chởm, rất khó đi. Ai cũng biết giao thông khó khăn sẽ kéo theo nhiều trở ngại trong sinh hoạt của thôn, nhưng biết làm thế nào khi chủ trương chưa đến kịp với dân, vả lại ý thức bà con còn kém. Mãi đến đầu năm 2011, khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai khắp 11 xã của huyện Hòa Vang thì chuyện làm đường bê-tông được người dân bàn thảo sôi nổi khắp xóm làng, từ đồng bằng tới miền núi hẻo lánh như Hòa Bắc, Hòa Phú.

Nhiều đêm suy đi tính lại, vợ chồng anh Nguyễn Văn Long quyết định hiến hơn 250m2 đất để làm mới con đường bê-tông chiều dài 85 mét, chiều rộng 3,5 mét ngay bên nhà mình, có thể khớp nối đường liên thôn. “Cái ngày bộ đội từ dưới xuôi lên đây đóng quân làm đường khiến bà con dân tộc Cơtu chúng tôi mừng lắm. Dân trong làng tụ tập để xem các anh bộ đội thi công con đường, ai cũng phấn khởi vì việc đi lại sẽ thuận lợi. Địa hình trắc trở nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng làm đường rất khó khăn, nhưng chính sự lao động hăng say của bộ đội củng cố niềm tin cho bà con vào chất lượng sử dụng lâu dài của con đường”, ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang vui vẻ nói.

Riêng với anh Nguyễn Văn Long, đây là việc làm ý nghĩa  mà “cái bụng” hai vợ chồng anh thấy ưng ý, tự hào. Trình độ học vấn chỉ đọc được vài con chữ nên chồng làm thợ hồ kiếm sống, vợ tảo tần từ tờ mờ sáng đến tối mịt để phát rừng. Khó khăn là vậy, nhưng nhìn con đường lớn ngay bên cạnh nhà được hoàn thành cách đây hơn 1 tháng mà mình góp chút công sức, anh Long tâm sự đó cũng là hành động thiết thực để đền đáp những gì mà Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp ưu tiên dành cho bà con dân tộc Cơtu hai thôn Tà Lang, Giàn Bí nói chung, cho gia đình anh nói riêng có được cuộc sống đổi mới khi ở trong căn nhà khá kiên cố, vật dụng sinh hoạt như ti-vi, xe máy đầy đủ.

Đến hiến đất làm trường, xây nhà

Ở thôn Giàn Bí có đến 5 hộ dân tộc Cơtu tự nguyện hiến đất cho bà con hàng xóm xây nhà. Tiêu biểu như gia đình bà Trần Thị Lâm hiến hơn 100m2 đất để gia đình anh Trần Văn Nước xây ngôi nhà cấp 4 cạnh bên. Đặc biệt, gia đình anh Trần Văn Hà ngoài hiến gần 200m2 đất vườn cho anh Trần Xuân Huấn làm nhà, anh còn hiến thêm 300m2 để mở đường bê-tông và xây dựng Trường tiểu học Hòa Bắc cơ sở 2. Anh Hà cho biết, động lực lớn nhất để anh tự nguyện hiến đất đó là có được ngôi trường gần nhà để hai đứa con anh là cháu Trần Thị Nga, học lớp 3 và cháu Trần Duy Hải, học lớp 1 được đi học thuận tiện hơn trước. Đi trên con đường bê-tông dẫn vào ngôi trường mình có công hiến đất, anh Hà bộc bạch: “Vợ chồng tôi trình độ học vấn thấp, mong sao các cháu có được những ngôi trường khang trang để phấn đấu học hành đỗ đạt. Như thế, thế hệ sau mới vững chãi hơn chúng tôi bây giờ”.

Làm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc ở cái tuổi 30, điều mà ông Hồ Tăng Phúc tâm huyết và luôn trăn trở đó là làm thế nào để ngày càng cải thiện đời sống sinh hoạt, trình độ dân trí của người dân, nhất là đồng bào dân tộc hai thôn Tà Lang, Giàn Bí được nâng cao. Chính vì thế, các ngành, các cấp của thành phố Đà Nẵng luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ hệ thống điện, đường, trường, trạm cho bà con đồng bào dân tộc để cố gắng bắt nhịp với đời sống người dân đồng bằng. “Riêng chuyện làm đường thì chúng tôi rất cần sự chung tay hỗ trợ của người dân. Mặc dù một phần đất họ hiến là đất người dân bỏ công sức khai hoang, nhưng việc 6 bà con người dân tộc Cơtu hiến hơn 2.000m2 đất là điểm sáng, sẽ được xã nhân rộng trong thời gian đến. Dù khoảng cách với các xã đồng bằng còn khá lớn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bắc quyết tâm thay đổi cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn”, ông Hồ Tăng Phúc nhấn mạnh.

Câu chuyện về 6 người dân Cơtu, xã Hòa Bắc hiến đất được ông Trần Đình Hồng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang tâm đắc như một bài học sâu sắc rút ra trong công tác vận động người dân tham gia thực hiện những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bởi nếu một chủ trương lớn, thể hiện tính đúng đắn thì rất cần tuyên truyền kịp thời và đầy đủ để dân hiểu, nhận thức và hành động cùng với chính quyền, nhất là ở những vùng miền trình độ dân trí còn thấp như các xã Hòa Bắc và Hòa Phú.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.