.

Lặn chíp chíp

.

Hè về, mỗi khi chiều xuống, người dân lại kéo nhau ra biển để tận hưởng cảm giác khoan khoái, mát dịu. Dọc theo đường biển Nguyễn Tất Thành hay Hoàng Sa – Trường Sa, các hàng quán cung cấp vô số các món ăn hải sản tươi ngon cho thực khách. Và chíp chíp là một trong những món hải sản được nhiều người ưa thích. Nhưng ít ai biết rằng để bắt được từng con chíp chíp, những người thợ lặn phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ…

Thu mua chíp chíp tại bờ kè Vũng Thùng – Nại Hiên Đông.
Thu mua chíp chíp tại bờ kè Vũng Thùng – Nại Hiên Đông.

Khoảng 5 giờ sáng, dọc bờ kè khu vực Vũng Thùng - Nại Hiên Đông tấp nập cảnh người dân chuẩn bị đồ nghề đi lặn chíp chíp. Hơn chục chiếc ghe nhỏ chông chênh chống sào ra ngoài bờ kè bắt đầu cho một ngày đi lặn.

Để bắt chíp chíp, người thợ lặn phải trang bị một bộ đồ nhái với quần áo chống lạnh, gương đeo, bao tay, vợt và một dây xích nặng khoảng 10kg buộc vào người cho dễ chìm xuống nước. Sắm sửa bộ đồ nhái với đầy đủ đồ nghề như thế khoảng 3 triệu đồng. Mặt khác, muốn trở thành thợ lặn thực thụ, ít nhất phải trải qua từ 1 đến 2 tháng học nghề với nhiều kỹ năng khá phức tạp như học cách thở, học cách bơi chân vịt, học xử lý các tình huống bất ngờ... Anh Nguyễn Văn Ánh, người mới vào nghề cho biết: “Lúc mới lặn cảm giác cứ ngộp không thở được. Còn hai bàn tay thì cứng đờ vì lạnh. Nhiều lúc muốn bỏ nghề vì vất vả quá, nhưng thấy có thu nhập nên tôi cũng cố gắng kiên trì”. Gia đình anh Ánh có 3 người thợ lặn chíp chíp và đều khá lên từ nghề này. Anh Ánh cho biết, chíp chíp chỉ lặn theo mùa, những hôm trời động dài ngày, những người thợ lặn chíp chíp thường đi biển cho các chủ tàu để kiếm thêm thu nhập.

Thông thường 1 ghe có khoảng 4 người thợ lặn và một người cầm dây. Khi người thợ lặn bắt chíp chíp dưới nước thì người cầm dây ở trên ghe canh chừng, nếu có sự cố, ngay lập tức phải kéo người thợ lặn lên. Khi chíp chíp đầy vợt, người thợ lặn lại lên ghe để nghỉ ngơi và ăn uống lại sức, sau đó tiếp tục lặn. Thợ lặn chíp chíp có thể hành nghề ở những vùng con nước khác nhau tùy theo tay nghề. Người mới vào nghề thường lặn ở vùng nước ngọt (sâu 2-3m), còn người thợ lặn lâu năm lặn ở vùng nước mặn (sâu 5-6m). Ở khu vực xung quanh cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước là nơi tụ tập khá đông thợ lặn vì theo người trong nghề cho biết, những nơi đó bùn non, nước cạn là môi trường thuận lợi cho chíp chíp sinh sống.

Khoảng xế trưa, những chiếc ghe bắt chíp chíp lục tục kéo nhau vào bờ. Họ cho chíp chíp vào bao tải, mỗi người một bao riêng và lên các bờ kè bán cho các chủ nậu với giá từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg (chíp chíp lớn), từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg (chíp chíp nhỏ). Mỗi ngày một người có thể lặn bắt từ 10 - 20kg chíp chíp, cho thu nhập bình quân từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng và phải trích ra khoảng 10% số tiền đó để trả cho các chủ ghe gọi là “tiền tổn”. Các chủ ghe thường chịu chi phí xăng dầu, bình hơi, thức ăn nước uống cho người đi lặn và trả công cho người cầm dây một buổi khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Sau đó, các chủ nậu bán sỉ chíp chíp lại cho các nhà hàng, quán nhậu hoặc bỏ mối tại chợ. Mỗi ngày một chủ nậu có thể thu mua hàng trăm kilôgam chíp chíp.

Lặn chíp chíp tuy đem lại thu nhập khá cho người dân nhưng cũng không tránh khỏi những rủi ro, nguy hiểm về tính mạng. Anh Trần Văn Năm, người thợ lặn chíp chíp lâu năm, cho biết: “Có nhiều trường hợp anh em đang lặn dưới nước bị trật dây hơi hoặc dây hơi bị gấp khiến thở không được, nếu không lanh trí xử lý hoặc báo hiệu cho người cầm dây ở trên ghe kéo lên thì có thể mất mạng như chơi. Cũng có những lúc thời tiết chuyển biến đột ngột, sóng to gió lớn khiến anh em chúng tôi trở tay không kịp”. Theo chúng tôi tìm hiểu, hầu như năm nào cũng có người chết vì lặn chíp chíp. Tuy nhiên vì cuộc mưu sinh, người dân ở đây vẫn tiếp tục bám trụ với nghề.

Vào mùa hè, chíp chíp thường có giá và bán rất chạy, nhiều khi cung không đủ cầu. Chế biến chíp chíp rất đơn giản, chỉ cần rửa qua nước lạnh, sau đó đặt lên cái vỉ cùng với vài gốc sả tươi đập dập, một ít ớt đỏ xắt nhỏ, đậy kín nắp nồi và đun lên. Chỉ cần chờ 5-10 phút là có ngay một nồi chíp chíp ngào ngạt hương thơm trên bàn. Hương vị ngọt dịu của chíp chíp cộng thêm mùi hăng của sả, hơi cay của tiêu..., tất cả sẽ làm nên một món ăn đậm đà.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.