(ĐNĐT) – Đến 14 giờ 30 phút chiều 10-8, lực lượng chức năng khó tiếp cận địa hình, đám cháy tại khu vực rừng của xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vẫn chưa được dập tắt và đang có nguy cơ lây lan.
Khói bốc lên tại khu vực rừng cháy thuộc địa bàn xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày 10-8. |
Tiếp cận đám cháy trên cao |
Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cho biết, hiện lực lượng chức năng đang được tăng cường gần 200 người để tiếp cận và khống chế đám cháy, tuy nhiên tới 14 giờ 30 phút chiều 10-8, đám cháy vẫn chưa được khống chế.
Hiện thành phố đã điều thêm xe chữa cháy và khoảng gần 200 người gồm bộ đội, dân quân và chủ các cánh rừng tham gia dập lửa nhưng do địa hình hiểm trở nên rất khó tiếp cận.
Còn tại địa bàn quận Liên Chiểu, trong đêm qua và sáng nay đã xảy ra hai vụ cháy rừng, khiến khoảng 12 ha rừng trồng keo lá tràm của các hộ dân bị thiêu rụi.
Đám cháy xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu sáng 10-8. |
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 21 giờ tối 9-8, người dân ở xung quanh khu vực đèo Đại La phát hiện cánh rừng bốc cháy tại khu vực đèo Đại La-Sông Trầu (thuộc phường Hòa Khánh Nam) nên đã điện báo cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, UBND quận Liên Chiểu đã huy động lực lượng hơn 100 người tìm cách tiếp cận đáp cháy. Tuy nhiên, đám cháy xảy ra trên địa hình đối núi cao hiểm trở, trời tối nên lực lượng cứu cháy không thể tiếp cận được.
Tại hiện trường, mặc dù xe cứu hỏa cũng được huy động nhưng không thể tiếp cận được đám cháy. Bên cạnh đó, do số máy thổi ít nên lực lượng cứu rừng chủ yếu dùng xẻng, rựa phát quang và cành cây để dập lửa.
Phải đến sáng hôm nay (10-8), lực lượng chức năng mới tiếp cận được đám cháy và tới lúc 13 giờ chiều cùng ngày, đám cháy cơ bản được không chế.
Chỉ đạo cứu cháy, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, hiện vẫn tiếp tục cử lực lượng ứng trực để tránh đám cháy có thể bùng phát trở lại.
Ông Phan Văn Rộng, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Liên Chiểu cho biết, nguyên nhân của vụ cháy rừng tại hai khu vực trên rất có thể do người dân đốt thực bì gây ra.
“Hiện đang vào mùa xử lý thực bì nên nhiều hộ dân có rừng trồng thiếu ý thức nên đã dẫn đến việc cháy rừng. Vì vậy, chính quyền địa phương (nơi có rừng) cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền cho người dân trong công tác phòng chống cháy rừng để tránh được thiệt hại cho người dân và Nhà nước”, ông Rộng nói.
Đắc Mạnh-Trọng Hùng