Thế hệ @ Đà Nẵng trong suy nghĩ của tôi là các bạn trẻ sinh trong hai thập niên 70, 80 và nửa đầu thập niên 90. Nghĩa là những người lớn nhất chỉ mới vừa bước sang giai đoạn tứ thập nhi bất hoặc - tuổi bốn mươi có thể hiểu thấu mọi nhẽ trong thiên hạ, phân biệt được thị phi phải trái, đánh giá được người tốt kẻ xấu, tính toán được cái gì nên làm cái gì không nên làm; còn những người trẻ nhất cũng đang vào độ tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu sức lực cường tráng sung mãn. Sở dĩ gọi chung các bạn là thế hệ @ là bởi khi những người lớn nhất trong các bạn bước vào tuổi mười bảy thì Đà Nẵng của chúng ta vừa bắt đầu tiếp cận với công nghệ thông tin, còn khi những người trẻ nhất trong các bạn chào đời thì công nghệ thông tin không chỉ là một công nghệ cao mà còn là một công nghệ tiêu biểu cho thời đại mới - thời đại công nghệ thông tin. Chỉ sống trong thời đại công nghệ thông tin, các bạn mới có thể thưởng thức những câu đối thấm đẫm chất @, chẳng hạn như một câu xuất đối đầu năm Tân Mão vừa qua: “Năm mèo nhấp chuột gửi meo cho mèo”. Và khi đã trở thành thời đại rồi, công nghệ thông tin hoàn toàn đủ sức để hình thành một quy luật khá nghiệt ngã: ai chưa thể nhập cuộc, ai còn sống ngoài cuộc với công nghệ thông tin thì cũng có nghĩa là người đó tự mình chấp nhận sẽ bị loại thải khỏi sân chơi của thế giới hiện đại. Cho nên thế hệ @ các bạn không còn con đường nào khác là phải vươn lên nắm vững công nghệ thông tin như một công cụ tối ưu để chiếm lĩnh tri thức khoa học và công nghệ.
Mùa hè xanh của các bạn sinh viên tình nguyện Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH |
Tối ưu đến mấy thì công nghệ thông tin cũng chỉ là một công cụ - tôi nhấn mạnh: một công cụ không hơn không kém - trong tay các bạn mà thôi, và dẫu hiện đại đến đâu thì công nghệ thông tin vẫn chưa thể và không bao giờ trở thành công nghệ thông… tim. Các bạn cần nhớ rằng khi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, con người mà nhất là thế hệ @ các bạn càng có điều kiện chìm đắm một cách tự giác hay không tự giác trong thế giới ảo, từ đó dễ có khả năng sao nhãng các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng. Các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng rất cần công nghệ thông tin để mở rộng phạm vi giao tiếp - rộng đến mức chúng ta có cảm giác đang sống trong một thế giới phẳng (chữ dùng của nhà báo Thomas L. Friedman), cũng như để đẩy nhanh tốc độ giao tiếp - nhanh đến mức chỉ mất vài phút từ sau khi e-mail được gửi đi, chúng ta đã có thể đọc và trả lời ngay cho người gửi đang ở cách xa chúng ta hơn nửa vòng trái đất. Nhưng điều mà các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng cần hơn cả là công nghệ thông… tim - thông từ trái tim đến trái tim. Với thứ công nghệ thông… tim này thì không một server hay computer nào có thể thay cho trái tim của mỗi con người. Chỉ có trái tim mình mới có thể mách bảo chính xác rằng cần phải giao lưu trực tuyến với những ai - đương nhiên không kể trường hợp “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” (thơ Tố Hữu) - và chỉ khi đến với nhau bằng mệnh lệnh của trái tim, con người mới có thể dành cho người khác tình cảm chân thành. Tôi mong các bạn thế hệ @ Đà Nẵng không chỉ biết sử dụng thuần thục công nghệ thông tin mà còn làm chủ được công nghệ thông… tim, sở hữu một trái tim giàu lòng trắc ẩn, không vô cảm trước sự thống khổ của đồng bào mình nói riêng và của nhân loại nói chung. Trịnh Công Sơn từng viết trong một ca khúc rằng sỏi đá cũng cần có nhau - huống chi con người.
Nhà thơ Bùi Giáng quê Quảng Nam có rất nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ có cánh, nhưng tôi tâm đắc nhất là bốn câu thơ ông viết về cảm nhận của mình khi lần đầu xem bóng đá được truyền hình trực tiếp: “Cũng là ngẫu nhĩ tồn sinh - Ngồi xem trực tiếp truyền hình đá banh - Muốn bắc thang hỏi ông xanh - Bao giờ trực tiếp truyền thanh mưa nguồn”. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng để tạo ra kỹ thuật truyền hình trực tiếp những trận đá bóng trên khắp hành tinh, nhưng chỉ có công nghệ thông… tim mới có thể mang lại cho con người kỹ thuật truyền thanh trực tiếp những cơn mưa nguồn, cho nên đến tận bây giờ vẫn chưa có một máy thu thanh hay một thiết bị âm thanh nào khác giúp con người nghe trực tiếp được tiếng mưa từ các nguồn sông - đó là điều Bùi Giáng muốn nói với chúng ta. Và dường như Bùi Giáng còn muốn nói với chúng ta nhiều hơn thế: hãy sống gần hơn với thiên nhiên, hãy biết lắng nghe thiên nhiên và trong khi chờ công nghệ thông… tim giúp chúng ta lắng nghe được mưa nguồn thì hãy cảnh giác với công nghệ… không tim đang ra sức biến mưa nguồn thành lũ dữ! Tôi mong các bạn thế hệ @ Đà Nẵng có được trái tim không chỉ có khả năng đồng cảm với con người mà còn có khả năng đồng điệu với thiên nhiên. Đồng điệu với thiên nhiên cần được xem là phẩm chất ưu tú của những nhà quản lý đô thị hiện đại - cương vị này sẽ là sứ mệnh mà lịch sử giao cho các bạn trong một tương lai không xa. Viết đến đây tôi chợt nhớ rằng dọc đại lộ Đại Học ở thành phố Kunitachi bên Nhật Bản có một hàng cây tuổi thọ hơn 70 năm rất đẹp và rất thân thuộc với cư dân địa phương. Bất chấp phản ứng của người dân sở tại, một công ty xây dựng vẫn tiến hành khởi công và hoàn thiện tòa nhà chung cư 14 tầng, cao 44 mét và chính độ cao đáng kể này đã che khuất dáng vẻ đáng yêu của hàng cổ thụ nói trên. Và người dân Kunitachi bắt đầu gửi đơn kiện những người trực tiếp làm mất đi cảnh quan môi trường của họ. Vụ kiện kéo dài tới ba năm, cuối cùng tòa án địa phương đứng về phía người dân mà phán quyết rằng công ty xây dựng kia phải khẩn trương tháo dỡ 7 tầng trên cùng của tòa nhà vừa mới xây xong ấy, trả lại không gian thẩm mỹ vốn có cho hàng cây xưa. Làm sao để thế hệ @ các bạn có được những công dân và những quan tòa như ở Kunitachi? Và quan trọng hơn là làm sao để thế hệ @ các bạn không bao giờ hành động một cách thiếu đồng cảm với con người và thiếu đồng điệu với thiên nhiên như những nhà đầu tư của cái công ty xây dựng tòa nhà chung cư 14 tầng ấy?
Là thanh niên thế hệ hôm nay, anh/chị hãy suy nghĩ và phác họa một châm ngôn sống cho chính mình - đó là nội dung đề thi chọn học sinh giỏi văn toàn quốc năm 2012 vừa qua. Tôi chưa có thông tin về việc từng học sinh trong đội tuyển Đà Nẵng chúng ta phác họa châm ngôn sống của bản thân mình như thế nào, nhưng tôi nghĩ có thể là một sáng kiến độc đáo nếu Đoàn Chủ tịch Đại hội lần thứ XVII Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố yêu cầu mỗi đại biểu thanh niên khi về dự đại hội phải tự mình viết tham luận - ngắn thôi bởi không phải bạn trẻ nào cũng nhiều chữ nghĩa như học sinh giỏi văn - trong đó phác họa một châm ngôn sống cho chính mình. Điều cần lưu ý là đề thi yêu cầu tính cá thể rất cao: châm ngôn sống cho chính mình, chứ không phải cho thế hệ mình. Đây là sự lựa chọn riêng của mỗi người, chứ không phải của mọi người, vì thế châm ngôn sống của người này có thể khác với người kia. Tuy nhiên dẫu khác nhau đến mấy thì châm ngôn sống của từng bạn trẻ trong thế hệ @ Đà Nẵng cũng không thể đi ngược lại chân - thiện - mỹ là ba trụ cột dựng nên lâu đài tinh thần của con người. Và dẫu khác nhau đến mấy thì châm ngôn sống của từng bạn trẻ cũng không thể quá xa lạ với châm ngôn sống của cả thế hệ mình, chẳng hạn như với châm ngôn sống mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã gợi ý trong một cuộc trò chuyện mới đây với hàng nghìn cán bộ trẻ tại Cung Thể thao Tiên Sơn: hãy khát vọng chứ đừng tham vọng! Khát vọng hay tham vọng đều là hướng tới cái chưa có, đều là nhằm đến cái đang trong tầm nhìn mà ngoài tầm với, nhưng sở dĩ không nên tham vọng vì tham vọng thường bị bó hẹp bởi những toan tính nhỏ nhen ích kỷ lợi mình hại người của chủ nghĩa cá nhân.
BÙI VĂN TIẾNG