.

Nghĩa tình gửi lại với đất này

.

Trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có không ít văn nghệ sĩ tình nguyện xin vào làm việc tại chiến trường Khu 5, khu vực trải dài khắp các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào tới Khánh Hòa. Dịp cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, hơn 30 văn nghệ sĩ thời đó đã trở lại chiến trường xưa. Bài viết này là những cảm nhận của tác giả khi may mắn được tham gia chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa này.

Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) được khánh thành vào ngày 27-4-2011. 				             Ảnh: QUỐC TÍN
Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) được khánh thành vào ngày 27-4-2011. Ảnh: QUỐC TÍN

Đã 7 năm rồi tính từ chuyến về nguồn gần đây nhất, lần này, số thành viên có phần thưa vắng hơn do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật. Có người đã không còn. Thời gian là quy luật vô tình đến tàn nhẫn. Ngắm những gương mặt đã đi qua quá nửa cuộc đời, nhìn những cánh tay đã lấm chấm đồi mồi, tôi hiểu, cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh chưa hẳn đã nhẹ gánh với tất cả. Bốn thập kỷ trôi qua làm người ta quên đi nhiều thứ. Nhưng ký ức về một thời đạn bom gian khổ mà tràn đầy lý tưởng và lãng mạn tuổi trẻ thì vẫn rất sống động trong mỗi người. Dường như trên suốt dọc hành trình, từng hình sông thế núi đều gợi lên trong lòng họ nỗi nhớ về những con người, sự việc một thời gắn bó.

Thật khó để kể hết những văn nghệ sĩ từng hy sinh trong những năm chống Mỹ trên mảnh đất Khu 5. Nhưng nhìn riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có những cái tên mà mỗi khi nhắc tới, độc giả yêu văn chương vẫn nhoi nhói niềm thương tiếc khi sự tài hoa ra đi lúc còn quá trẻ. Đó là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, diễn viên như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Hồng, Nguyễn Trọng Định, Phương Thảo, v.v…

Trong hành trình tìm về ký ức năm xưa, điểm viếng thăm đầu tiên của đoàn chính là đài tưởng niệm 206 văn nghệ sĩ, nhà báo đã hy sinh tại Khu 5 trong khuôn viên Bảo tàng Quân khu. Dâng nén hương thơm tới hương hồn những người đồng nghiệp, những người hoạt động trên các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau thời đó, nhà thơ Phạm Hồ Thu không giấu được nỗi xúc động. Bởi cách đây hơn 40 năm, ngày đầu tiên khi chị vào làm việc tại cơ quan Đài Giải phóng, cũng là ngày chị có mặt trong lễ truy điệu 2 cán bộ của cơ quan vừa hy sinh do bom đạn kẻ thù. Có lẽ, không hiếm những văn nghệ sĩ, trí thức thời đó đã tình nguyện đi B như nữ sĩ Phạm Hồ Thu chính bởi niềm say mê, xúc động trước những vần thơ như giục giã, như lôi kéo bởi tình yêu và lý tưởng cháy bỏng: “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng / Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra /Cho đến ngày cất bước đi xa /Miền Nam gọi hai đứa mình có mặt...” (Dương Hương Ly - Bài thơ hạnh phúc). Con sông Giằng vẫn miên man chảy sau bốn mươi năm, lặng lẽ và miệt mài ven dải Trường Sơn ngút ngàn. Ở một góc rừng phía bên kia bến Giằng, người ta bảo, có một nơi chị Xuân Quý từng mắc võng nghỉ lại, để sau đó chị về Duy Xuyên nơi mà mãi mãi “Trên mồ em có mùa xuân ở mãi”.

Trong cái nắng chói chang của mùa hè, đi trên dải đất miền Trung, người ta nhớ tới “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ. Giờ đây, tuy không tìm được thi thể sau khi mất, nhưng hồn thiêng nhà thơ hẳn đã thanh thản ở lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Giữa dòng ký ức miên man của các văn nghệ sỹ, cùng với kỷ niệm chiến trường thì những câu chuyện về sự gắn bó thân thiết, đầy ân tình của người dân Quảng Nam nói riêng và đồng bào Khu 5 nói chung dành cho họ cứ trở đi trở lại. Nhiều người nhắc lại kỷ niệm không quên về những chuyến gùi gạo, gùi muối ở chiến trường. Nếu ở những vùng miền khác, người ta có thể gánh gồng thì ở địa hình miền Trung Khu 5, cách vận chuyển phổ biến nhất là gùi và cõng. Cõng gạo, cõng nước, cõng đất trồng cây, cõng từng hom sắn đi trồng; và thậm chí, trên dọc đường hành quân hay sản xuất, gặp đồng đội bị địch bắn chết, họ lại cõng đất về đắp cho bạn một nơi yên nghỉ cuối cùng. Trên khắp các cánh rừng Trường Sơn thuở ấy, những người lính trên mặt trận văn hóa đã đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau và được cưu mang, nuôi giấu bởi những người dân can trường nồng nàn tinh thần yêu nước. Thiếu thốn trăm bề là thế, khổ nhất là thiếu muối, nhưng hễ có được chút thực phẩm cứu đói, chút lương thực tự sản xuất được, bà con lại dành cho cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động tới nhói lòng về việc đồng bào nhường cơm sẻ áo cho những người chiến sĩ, cán bộ năm xưa. Và càng nhói lòng hơn khi hôm nay, sau gần 40 năm trở lại, mảnh đất Quảng Nam nói riêng và vùng chiến địa khu 5 nói chung xưa giờ vẫn còn nghèo quá. Nắng vẫn rát mặt người, gió vẫn vô tâm ràn rạt qua những trảng cát, trảng đồi trơ cằn đá sỏi. Và tôi biết, những người từng một thời sinh sống và hoạt động nghệ thuật nơi đây sẽ còn day dứt nhiều hơn thế. Đứng giữa nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tôi nghe gió thổi mênh mông giữa 6.000 ngôi mộ liền kề nhau. Và ở khu tưởng niệm trận Thượng Đức, những người con của Hà Nội và miền Bắc đang ngậm ngùi điều gì khi thấy ở đây, trên những tấm bia, có quá nhiều hàng chữ “chưa rõ tên”. Bởi họ biết, trong trận đánh ác liệt năm đó, tham gia chủ yếu là những trí thức, thanh niên trẻ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Làm trưởng đoàn chuyến đi về nguồn lần này, nhà văn Nguyễn Bảo vẻ như lúng túng với trách nhiệm của người tổ chức vốn không phải việc ông quen làm, nhưng cái lúng túng nhiều hơn của ông có lẽ chính là tâm trạng xúc động khôn tả khi trở lại vùng đất trĩu nặng ân tình. Đứng bên chứng tích còn lại của căn hầm cố thủ vững chắc của địch trong trận Thượng Đức, ông say sưa kể lại cho mọi người nghe về những sự kiện từng xảy ra qua từng đợt quân ta kéo pháo tấn công cứ điểm kiên cố này của địch. Đó cũng là những lý do thôi thúc ông hoàn thành Thượng Đức, cuốn tiểu thuyết đã được giới chuyên môn và độc giả nhắc tới nhiều thời gian qua. Sau chuyến đi này, ông cũng sẽ cho ra mắt một cuốn sách nữa viết về cao điểm 1062 ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong những năm đánh Mỹ, cuốn Đỉnh máu.

Quảng Nam, mảnh đất từng thấm máu của biết bao văn nghệ sĩ trong suốt thời chống Mỹ, dù  cho tới nay, nhà văn- liệt sĩ Chu Cẩm Phong là người duy nhất được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bia tưởng niệm nhà văn hiện đặt tại huyện Duy Xuyên. Đọc lại những dòng nhật ký của anh trước khi mất, người ta sẽ còn cảm phục nhiều hơn tấm lòng và lý tưởng yêu nước trong sáng, vô tư nhưng rất quyết liệt của nhà văn liệt sĩ ấy. Và còn nữa, cũng ở Duy Xuyên này, người ta biết có một gia đình đã hiến tặng một phần đất ngay trong khu vườn nhà mình để đặt bia tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ  Dương Thị Xuân Quý. Người phụ nữ quả cảm ấy đã từng gửi con nhỏ khi mới được mười sáu tháng để tình nguyện đi B. Và giờ, chị nằm lại giữa “đất lành Duy Xuyên” như câu thơ của chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết.

Chiến tranh dữ dội và đau thương, tàn khốc và ác liệt, nhưng chiến tranh cũng lại là lúc con người ta nhìn ra bản chất của nhau dễ nhất. Bởi không ai có thể giả dối trước cái chết. Phải chăng vì thế mà trong cuộc hành trình tìm về quá khứ, tôi - một người trẻ sinh ra khi đất nước hoàn toàn im tiếng súng - đã có cơ may chứng kiến nhiều tình bạn đẹp được nuôi dưỡng trong suốt 40 năm qua ở chuyến đi này. Những văn nghệ sĩ ấy gặp nhau và làm việc với nhau từ thuở tóc còn xanh, giờ đây, khi bệnh tật và sức khỏe đã là những đề tài thường xuyên hơn trong câu chuyện của họ, thì cái tình đối với nhau từ thuở còn ở “Khu 5” vẫn đượm đà, sâu lắng. Đứng trước bia tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Hồng ở xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tôi cứ nghĩ mãi về lon sữa bò đã mở nắp đặt bên cạnh. Nó chính là lon sữa mà nhà thơ, nhà báo Lê Tất Cứ và nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã mang tới đây cùng hương hoa viếng bạn trước khi chúng tôi đến một tuần. Có lẽ, chẳng ai rõ tại sao hộp sữa đó được đặt trong mâm lễ nếu không biết, vài ngày trước khi mất, liệt sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng đã chia sớt chút cặn sữa cuối cùng với 2 người bạn cùng lớp tại Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội là nhà báo Lê Tất Cứ và nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Có lẽ không mấy người biết, chính những văn nghệ sĩ từng chiến đấu tại chiến trường  Khu 5 chứ không phải ai khác, đã tham gia vận động xây cất và chăm sóc tất cả phần mộ hay đài tưởng niệm của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ. Ngay cả những cây hoa, cây cảnh trồng trên mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhà văn Chu Cẩm Phong cũng do chính tay nhà văn Nguyễn Bá Thâm đem từ Đà Nẵng vào cho bạn. Cái tình của họ đối với nhau lúc sống đã vậy, mà ngay cả lúc ai đó chết đi rồi, cũng thật đáng nghĩ suy.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, viết tới đây, trong tôi chợt vẳng lên những ý thơ đó của nhà thơ Chế Lan Viên. Ân tình với đất và người Quảng Nam của lớp người đã hy sinh xương máu trong quá khứ, và cả những ân tình vẫn đang tiếp tục được chắt chiu dành cho Khu 5 qua tác phẩm nghệ thuật của những người đang sống hôm nay sẽ chẳng bao giờ vơi cạn. Dẫu bao nhiêu năm nữa trôi đi, chúng tôi tin, những ai từng sống và chiến đấu nơi đây sẽ vẫn còn giữ mãi ký ức vẹn nguyên về một địa danh nhiều bi tráng nhưng vô cùng hào sảng. Và tình yêu với miền đất ấy sẽ tiếp tục được nở hoa trong lòng các thế hệ mai sau qua cuộc đời và tác phẩm nghệ thuật của lớp văn nghệ sĩ ấy.

KIM THOA

;
.
.
.
.
.