.

Sống mãi tình đồng chí son sắt, thủy chung

.

“Tôi vinh dự được làm việc trực tiếp với anh Năm Công trong thời gian ở cơ quan Khu ủy 5 từ năm 1955 đến 1976. Tôi kém anh 17 tuổi, đúng một thế hệ, tuy hiện nay sức khỏe tôi giảm sút, trí nhớ không còn minh mẫn sau 2 lần bị tai biến, nhưng những kỷ niệm về anh Năm thì luôn đầy ắp và không bao giờ quên”. Ông Phan Đấu, nguyên Phó Văn phòng Khu ủy 5, nguyên Thư ký riêng của đồng chí Võ Chí Công lúc đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy Quân khu 5 - xúc động nói với chúng tôi khi ông đang xem lại bài tham luận để chuẩn bị đi Quảng Nam dự hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh người thủ trưởng của mình.

Đồng chí Võ Chí Công (trái) chụp ảnh cùng Thư ký riêng Phan Đấu trong những ngày chiến đấu chống Mỹ tại Đặc khu Quảng Đà. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Võ Chí Công (trái) chụp ảnh cùng Thư ký riêng Phan Đấu trong những ngày chiến đấu chống Mỹ tại Đặc khu Quảng Đà. (Ảnh tư liệu)

“… Anh Năm Công là người sống nguyên tắc và mực thước, nhưng từ anh luôn tỏa ra sự nhân ái, chăm lo đến cấp dưới. Anh thường dặn chúng tôi phải xây dựng cho được một nền nếp công tác và thái độ phục vụ đúng mực đối với cán bộ cơ sở. Tôi còn nhớ lời anh dặn, bất cứ cán bộ nào khi về làm việc phải báo cáo ngay với anh, để anh và các đồng chí trong Ban lãnh đạo đến thăm. Tuy nhiên, có lần có đoàn đại biểu ở một tỉnh đến thăm và gặp anh trước, chúng tôi chưa kịp báo nên đã bị anh nghiêm khắc phê bình…

Suốt những năm tháng làm việc dưới quyền anh, tôi thấy anh chưa bao giờ áp đặt một điều gì. Những vấn đề anh quyết định đều trên cơ sở đã lắng nghe, phân tích một cách cặn kẽ. Khi trực tiếp chỉ đạo Văn phòng Khu ủy, anh Năm Công là người có tài tổ chức, sâu sát công việc. Do có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bí mật nên đối với công tác Văn phòng, từ tổ chức bộ máy đến bố trí nhân sự, triển khai công việc đến công tác bảo mật, phòng gian anh đều căn dặn chúng tôi thực hiện chu đáo. Vốn là cán bộ từng trải, anh luôn nhắc nhở anh em trong việc chọn địa điểm đóng quân sao cho bí mật, bất ngờ, “tiến, thoái” đều thuận. Nhờ vậy, mà trong suốt những năm kháng chiến, lúc ở hậu cứ, khi ở vùng giáp ranh, kẻ địch dù có “trăm mắt, ngàn tay” vẫn không thể phát hiện ra khu vực đóng quân của chúng tôi.

Anh luôn nhắc nhở anh em chúng tôi rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ và ác liệt, việc sinh hoạt nội bộ càng phải chặt chẽ, phải tuân thủ các nguyên tắc, nhưng cũng phải có cái nhìn “nhân sinh quan toàn diện”. Tôi còn nhớ, có một đồng chí trong chi bộ vi phạm kỷ luật Đảng, chi bộ họp đóng góp ý kiến, xét kỷ luật. Mặc dù rất bận nhưng anh vẫn thu xếp thời gian để dự. Anh lắng nghe bản tự kiểm điểm của đồng chí đảng viên vi phạm kỷ luật, lắng nghe những ý kiến đóng góp của chi bộ... Trong cuộc họp, có những ý kiến khá gay gắt, quy kết trách nhiệm khá nặng nề và anh chăm chú ghi chép cẩn thận. Khi được mời phát biểu, anh đã phân tích có lý, có tình, ý kiến của anh như sự “giải tỏa” những nguyên tắc “cứng nhắc” của số đảng viên trẻ, và làm cho không khí cuộc họp bớt đi những “căng thẳng” không cần thiết.

Trong công tác xây dựng nội bộ cơ quan, anh thường đề xuất các đồng chí lãnh đạo quan tâm bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu. Mỗi lần chiến tranh chuyển giai đoạn, nhất là các bước ngoặt lịch sử, anh triệu tập họp cán bộ nêu vấn đề, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, đối sách của ta, giải đáp những thắc mắc trong thực tế nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nghiên cứu để có những báo cáo tình hình, đề xuất cho lãnh đạo những giải pháp chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả. Anh Năm Công từng nói: “Cán bộ nghiên cứu phải lấy thực tiễn một cách cụ thể, đó là nguyên tắc. Cán bộ giúp việc lãnh đạo, không được lý thuyết suông, không dựa vào cảm nghĩ suy luận cá nhân thiếu thực tiễn”.

Càng gần anh, chúng tôi càng nhận ra trong con người bình dị của anh có những suy nghĩ hết sức đặc biệt. Trong chỉ đạo chiến tranh, anh không chỉ tập trung các vấn đề quân sự, chính trị mà rất quan tâm đến công tác kinh tế, hậu cần, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, chỉ đạo việc sản xuất tự túc trong các cơ quan và lực lượng vũ trang; nhờ đó, giải quyết một phần nhu cầu lương thực cho kháng chiến. Anh có tác phong công tác thoáng đạt, không gò bó hẹp hòi, định kiến, lắng nghe ý kiến của đồng cấp và cấp dưới trình bày, đề đạt ý kiến của mình. Ở cương vị lãnh đạo, anh có tính quyết đoán rất cao nhưng không áp đặt ý kiến cá nhân của mình vào công việc chung, không độc đoán chủ quan mà biết lắng nghe, tiếp thu những đề xuất của cấp dưới, cái đúng thì được chấp nhận, cái chưa đúng thì được phân tích và giải thích lại. Anh bảo: “Đoàn kết không phải xuôi chiều mà phải trên cơ sở thống nhất các nhận thức về đường lối, chủ trương, phương châm, phương pháp cách mạng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Năm Công được điều về công tác ở Trung ương, lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và Nhà nước và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đáng nói là khi chức vụ càng cao, anh càng gần dân hơn, hiểu và lo cái lo của dân nhiều hơn. Anh là người có nghĩa tình sâu lắng đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào. Mỗi lần có dịp về quê, anh thường dành thời gian để đến thăm các cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu mình trong chiến tranh; đồng thời thăm hỏi, động viên và chứng nhận để họ được lập hồ sơ công nhận người có công với nước. Những đóng góp to lớn của anh trong sự nghiệp đổi mới của Đảng đều xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Điều gì có lợi cho dân thì dù có khó mấy cũng làm”.

Ôn lại những kỷ niệm đời thường với anh Năm, trong mỗi chúng tôi sống lại thời kỳ đầy khó khăn gian khổ mà thấm đẫm tình người, tình đồng chí son sắt thủy chung. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của anh, mấy lời ngắn ngủi này xin được tưởng nhớ đến anh - người cán bộ cách mạng mẫu mực, người thủ trưởng kính mến và là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo”.

GIA HUY

(Ghi theo lời kể của ông Phan Đấu, nguyên Thư ký riêng của đồng chí Võ Chí Công)

;
.
.
.
.
.