.

Sống mãi tuổi đôi mươi

.

Hơn 30 năm khóc thương những người con anh dũng hy sinh, nước mắt mẹ đã lặn vào trong. Nỗi đau cũng lặn vào trong. Nhưng hình ảnh các con trong lòng mẹ vẫn tươi mới, vẹn nguyên như thuở nào.

Mẹ Thời sống trong tình yêu thương của những người con nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ về các con đã hy sinh.
Mẹ Thời sống trong tình yêu thương của những người con nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ về các con đã hy sinh.

Ký ức trở về

Đến giờ, mắt đã mờ, tóc đã bạc, trí óc đã không còn minh mẫn nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Thời (91 tuổi, quê xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hiện ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) vẫn nhớ như in hình ảnh người chồng cùng 2 người con đã vĩnh viễn đi xa hơn 30 năm. “Con Lai ngày ấy còn trẻ lắm. Nó không xinh nhưng da trắng, tóc dài ngang lưng, ăn nói nhỏ nhẹ và có duyên nên nhiều anh theo đuổi. Nó bảo, con phải ra trận, phải đánh đuổi hết bọn giặc cướp nước đã mẹ ạ, hòa bình rồi con sẽ lấy chồng và sinh cho mẹ mấy đứa cháu xinh xắn”, mẹ Thời rưng rưng nhớ lại, đôi mắt ánh lên niềm tự hào về người con gái đã hy sinh: chị Lâm Thị Lai. Nhưng lời hứa năm nào của người con gái dũng cảm với mẹ đã không thể thực hiện.

Còn anh Lâm Quang Thời, con trai cả của mẹ, tham gia cách mạng từ nhỏ. Khi đó, mẹ chỉ bảo: “Con đi đi, khi nào đất nước bình yên thì về với mẹ”. Biết mẹ che giấu cán bộ cách mạng, địch thường xuyên “viếng thăm” nhà mẹ: “Con mày đi đâu? Theo Cộng sản phải không?”. Mẹ cứng rắn: “Chúng nó chết hết rồi, còn đâu mà hỏi”. Vậy là chúng đánh mẹ, kề dao vào cổ nhưng mẹ không khai. Chúng bêu đầu mấy người trong xóm để thị uy, mẹ liền ôm 5 đứa con vào lòng: “Vững dạ, các con nhé!”.

Những người con còn lại của mẹ Thời dù nhỏ tuổi nhưng cũng tích cực giúp mẹ nuôi giấu cán bộ. Hầu như tháng nào mẹ cũng nhận được thư của Thời, những lá thư dài đến 2 trang giấy. Làm công tác an ninh thì phải giữ bí mật, nên anh không thể thăm mẹ thường xuyên. Có lần, Thời ghé về nhà thăm mẹ và bảo: “Mẹ và bà con ráng chờ thêm một thời gian nữa. Sắp có hòa bình rồi”. Thời nói vậy nhưng anh đã không thể chờ đợi được. Anh hy sinh vào tháng 4-1970.

Còn với Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Sang (87 tuổi, quê xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Đức Phương, con trai mẹ vẫn cứ bé bỏng như khi theo người cậu đi làm cách mạng. Lúc đó, Phương mới 8 tuổi. Xa mẹ, Phương lớn dần theo những trận chiến ác liệt. Những tin báo về Phương như việc bắn rơi máy bay, được phong tặng “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt ngụy”... khiến mẹ Sang như nở từng khúc ruột. Rồi những lần anh về, mẹ lại xót xa khi nhìn vết thương trên khắp thân thể con. Phương chỉ cười hiền, trấn an mẹ: “Con phải sống để về với mẹ”. Bố rời xa hai mẹ con khi Phương còn nằm trong bụng mẹ. Bởi vậy, Phương là niềm mong mỏi, là lẽ sống, là sức mạnh của mẹ. Mẹ cũng xem những chiến sĩ cách mạng như con đẻ của mình. Mẹ đào hầm, giấu gạo cung cấp cho bộ đội. Rồi sau một trận chiến ác liệt, Phương về thăm mẹ khi chỉ còn một mắt. Mẹ bảo: “Hay con ở nhà với mẹ một thời gian cho khỏe đã...”, nhưng Phương kiên quyết: “Tổ quốc đang cần con”, và anh lại ra đi. Đó cũng là lần gặp cuối, Phương đã vĩnh viễn rời xa mẹ, thân thể hòa với cát bụi.

Mẹ Sang và bức ảnh anh Phương, người con trai duy nhất đã nằm lại chiến trường.
Mẹ Sang và bức ảnh anh Phương, người con trai duy nhất đã nằm lại chiến trường.

Sống mãi

Với mẹ Sang, mẹ Thời hay bất kỳ Bà mẹ VNAH nào mà chúng tôi gặp, ký ức về những người con đã hy sinh như vẫn còn tươi mới. Mẹ Thời còn may mắn được thắp nén hương lên mộ cho con nhưng với mẹ Sang, mẹ chỉ biết thắp cho con nén hương trong trái tim mình. Bởi lẽ, đến bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ Phương. Cứ đến ngày rằm hay ngày lễ, người ta lại thấy thân hình gầy còm nhỏ bé của mẹ đi khắp các nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sĩ. Mẹ bảo, mẹ coi đứa nào cũng như là Phương của mẹ. Đôi lúc sau khi ngủ dậy, mẹ lại đi quanh nhà tìm Phương vì “mơ đêm qua thằng Phương gõ cửa xin vào nhà với mẹ”. Hiện mẹ Sang ở tại căn phòng cũ, chật hẹp trong căn hộ tập thể của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trước đây cùng với vợ chồng người cháu ruột. Trong phòng chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti-vi cũ và một tủ lạnh. Những thứ mẹ nâng niu như báu vật là tấm ảnh duy nhất còn lại của liệt sĩ Phương cùng Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến được mẹ treo ở chỗ trang trọng nhất. Mẹ Sang chia sẻ, mẹ già rồi, chẳng cần ăn gì nhiều, chỉ cần có nơi ở rộng rãi hơn và có một căn phòng để bày bàn thờ cho anh Phương. Mẹ đang chờ địa phương xem xét...

Chiến tranh giờ đây đã lùi xa nhưng vẫn có những bà mẹ thao thức để nhớ về những người con anh dũng hy sinh. Dẫu chưa tìm được mộ Phương nhưng mẹ Sang không còn bồn chồn, day dứt nữa. Mẹ bảo, con trai mẹ đã ngủ yên trên mảnh đất quê hương, mà quê hương thì nơi đâu cũng là nhà. Còn mẹ Thời quả quyết, khi nào Tổ quốc cần, mẹ cũng sẵn sàng động viên các con, các cháu lên đường ra trận.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.