Ngày cuối tháng 7, từ Đà Nẵng tôi chạy xe vào Quảng Nam. Nắng chói chang trên những cánh đồng quê lúa vàng đang phơi sắc. Cách trung tâm Tam Kỳ (thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 3km về hướng Tây Nam, ngay đầu thôn 4 (xã Tam Xuân 1) về bên trái có con đường bê-tông dẫn vào làng Khương Mỹ, đi khoảng 300m là đến Khu lưu niệm của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.
Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công. |
Từng đảm trách những chức vụ quan trọng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, Bí thư Khu ủy, nhưng cái tên anh Năm Công, Bác Năm Công, ông Năm Công đã trở nên gần gũi, thân thương trìu mến mà vô cùng trân trọng đối với cán bộ, nhân dân cả nước nói chung, Khu 5 nói riêng suốt trong chiều dài lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những năm tháng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Được xây dựng cách đây 10 năm, khu nhà lưu niệm Bác Năm Công đã thể hiện một cách ấn tượng về một vùng quê xứ Quảng. Hai căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc nhà truyền thống Quảng Nam với “tiền khách hậu tự”, bàn thờ đặt chính giữa, hai gian 2 bên và có hiên phía trước, 2 chái thông nhau và có lối ra ở phía nhà tiếp khách; đây chính là cấu trúc tam đoạn, cấu kiện bằng gỗ và mái lợp ngói âm dương, mặt quay về hướng Nam. Trong nhà bài trí những hiện vật như: chiếc rương gỗ, bộ phản bằng gỗ mít... mà trước đây gia đình Bác Năm Công đã dùng, ảnh chân dung thân phụ và thân mẫu của Bác Năm Công, hình ảnh Bác Năm Công thời niên thiếu, hình ảnh gia đình... Đặc biệt, khu nhà lưu niệm còn có vườn cây, ao cá mà sinh thời bác Năm Công rất thích. Ngay trong thời chiến tranh khốc liệt, tại căn cứ Khu ủy 5 ở Trà My, nơi Bác Năm Công làm việc vẫn có vườn cây, ao cá gắn liền nhau.
Bà Trần Thị Thu, cháu dâu của Bác Năm Công, được giao nhiệm vụ trông nom chăm sóc hằng ngày Khu nhà lưu niệm. Thấy tôi đến, bà chân tình đón tiếp và đưa tôi tới Khu nhà lưu niệm, nơi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam lập bàn thờ ngay sau khi Bác Năm Công từ trần (8-9-2011), để thắp hương. Rồi bà Thu đưa tôi đi thăm và giải thích tường tận về những tấm ảnh, những kỷ vật, những dòng lưu niệm của Bác Năm Công khi về thăm nhà đã ghi lại, có đoạn: “Tôi rất xúc động khi về thăm ngôi nhà lưu niệm do Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng nhằm ghi nhận công lao của tôi đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thăm lại ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rốn, tôi hồi tưởng lại nhiều kỷ niệm sâu sắc về thời thơ ấu từ những ngày đầu tham gia cách mạng…”.
Tại nhà trưng bày nằm chính giữa khu lưu niệm, đã giới thiệu một số kỷ vật thiêng liêng của một con người, một nhân cách lớn suốt mấy chục năm đi theo cách mạng, hoạt động cách mạng không mệt mỏi, cống hiến tâm trí và sức lực cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến khi về nơi an nghỉ vĩnh hằng ở tuổi 99.
Một số hiện vật được trưng bày trong khu lưu niệm. |
Bảo tàng Quảng Nam đã giới thiệu 50 hiện vật, tư liệu và gần 200 ảnh lớn nhỏ, có liên quan trực tiếp đến cuộc đời hoạt động của Bác Năm Công từ năm 1945 đến nay. Bên cạnh đó còn có 2 bộ sưu tập ảnh và 4 cuốn album thể hiện tình cảm thân thương của Bác Năm Công đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng, với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng bào, đồng chí những nơi mà ông đã từng chiến đấu và công tác, những hình ảnh về những chuyến về thăm lại chiến trường xưa ở căn cứ Phước Trà, huyện Hiệp Đức, căn cứ Khu ủy Khu 5, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam…
Tôi và mấy anh em trong đoàn dừng lại xem rất lâu những vật dụng cá nhân như chiếc điện thoại bàn, đĩa đựng thức ăn, bi đông đựng thuốc bắc, bộ dụng cụ y tế để điều trị bệnh viêm họng, rồi có cả túi vải, súng ngắn, đèn tự chế và tấm bản đồ quân sự mà Bác Năm Công sử dụng trong những năm công tác tại Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Khu 5 (1961-1966).
Để ghi nhận công lao của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhân cách lớn, ngày 30-5-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng thông báo về việc tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7-8-1912 – 7-8-2012) vào ngày 6 và 7 tháng 8 tới đây, tại thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và các địa phương trong tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) là di tích lịch sử quốc gia. Đồng thời, nhân dịp này Đảng bộ và chính quyền Quảng Nam khởi công xây dựng công trình: Tu sửa, nâng cấp Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công với tổng vốn gần 80 tỷ đồng. Trong đó, cải tạo nhà trưng bày hiện trạng, liên kết khối nhà trưng bày mới thông qua nhà cầu nối. Xây mới nhà trưng bày diện tích xây dựng 167m2 và Nhà bảo quản, lưu trữ hiện vật diện tích xây dựng 137m2 theo phong cách kiến trúc truyền thống, cột kèo gỗ, mái lợp ngói âm dương. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như: thư viện cộng đồng diện tích xây dựng 177m2; Nhà tiếp đón, dịch vụ; Nhà quản lý, chiếu phim; mở rộng nâng cấp đường vào Khu lưu niệm…
Đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch lập quy hoạch cụm di tích, danh thắng, kết nối các tour du lịch hấp dẫn, thu hút du khách nhằm phát huy hiệu quả Khu lưu niệm Võ Chí Công và các di tích, danh thắng lân cận, để giới thiệu với cán bộ, nhân dân và du khách về một nhân cách lớn của vùng đất Quảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
TUYẾT MINH