.

Thanh niên nông thôn loay hoay lập nghiệp

.

“Phần lớn thanh niên trên địa bàn huyện mang tâm lý “ly nông không ly hương” nhưng họ đang gặp khó khăn trên con đường lập nghiệp, vươn lên làm giàu vì thiếu vốn vay, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và ý chí phấn đấu”, anh Nguyễn Văn Phước, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang chia sẻ.

Thanh niên nông thôn mong muốn được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của địa phương để lập nghiệp. TRONG ẢNH: Một số thanh niên nông thôn đang tham gia lớp học nấu ăn.
Thanh niên nông thôn mong muốn được đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của địa phương để lập nghiệp. TRONG ẢNH: Một số thanh niên nông thôn đang tham gia lớp học nấu ăn.

Loay hoay tìm hướng đi

Theo thống kê, thanh niên chiếm 30% tổng dân số toàn huyện Hòa Vang. Đây là lực lượng lao động trẻ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, số thanh niên lập nghiệp, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương còn hạn chế. Hiện toàn huyện Hòa Vang chỉ có 45 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đang phát huy hiệu quả, phần lớn còn lại sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều thanh niên chọn giải pháp ly hương để tìm kiếm việc làm ở địa phương khác, cũng có người chấp nhận “sống chung” với tình trạng không có việc làm.

Anh Võ Văn Bông, Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cho biết: “Thanh niên trong toàn xã gần 1.000 người, những người có công việc thì phần lớn không ổn định, chủ yếu làm theo mùa. Số còn lại khá lông bông”. Trong khi đó, thanh niên toàn xã Hòa Phú hiện có 650 người. Đây là lực lượng lao động chính trong nhiều gia đình, ngoài một bộ phận làm công nhân ở các khu công nghiệp, phần lớn làm các công việc theo mùa nên không ổn định... Số thanh niên tự thành lập doanh nghiệp, làm giàu rất hiếm. Anh Lê Văn Thân, Bí thư Đoàn xã Hòa Phú cho biết: “Hầu hết thanh niên còn hạn chế về trình độ, kiến thức nên chủ yếu chỉ làm những công việc lao động chân tay. Cũng có một bộ phận thanh niên có tâm lý thích chơi bời, ngại lao động. Để tìm được mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã rất khó”.

Qua tìm hiểu tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hòa Vang cho thấy, nhu cầu lập nghiệp của thanh niên hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều khó khăn từ việc thiếu vốn vay, kiến thức và ý chí phấn đấu.

Thiếu vốn, thiếu kiến thức

Anh Võ Văn Bông cho biết, Đoàn xã Hòa Nhơn đang quản lý số vốn ủy thác với tổng dư nợ 600 triệu đồng. Song, đây là tổng dư nợ của nhiều chương trình cho vay phục vụ mục đích và đối tượng khác nhau như hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn... Cùng tình trạng này, Đoàn xã Hòa Phú hiện quản lý số vốn ủy thác trên 2 tỷ đồng, nhưng số thanh niên tiếp cận được nguốn vốn để làm giàu rất hiếm. “Anh em mỗi lần chỉ được vay từ

20-30 triệu đồng, nhưng phải bảo đảm một số yêu cầu. Trong khi đó, với những người có kế hoạch kinh doanh, sản xuất lớn thì số tiền vay được quá ít. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay chưa có thanh niên nào trong xã tiếp cận nguồn vốn vay này”. Bên cạnh đó, theo anh Bông, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên đang thiếu ý chí phấn đấu, dễ “đầu hàng” trước khó khăn, có tâm lý thỏa mãn khi đạt được thành tích nhỏ nào đó. Chính rào cản tâm lý này đã khiến nhiều thanh niên dễ dàng chấp nhận với cách làm ăn qua quýt, kiếm sống qua ngày.

Không chỉ khó khăn từ nguồn vốn, nhiều thanh niên nông thôn ở huyện Hòa Vang còn “đói” kiến thức làm kinh tế, khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Họ mong muốn được đào tạo nghề, hướng nghiệp theo nhu cầu của xã hội. Nhiều cán bộ Đoàn ở huyện Hòa Vang cũng chia sẻ rằng, cần tìm ra những mô hình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương; hỗ trợ các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào nông thôn.

Để góp phần giải quyết những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, Hội LHTN thành phố đã mở chương trình đào tạo nghề theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều thanh niên cho rằng, các ngành nghề đào tạo còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. “Để giải quyết nhu cầu việc làm, họ lại phải quay về học những ngành nghề đang “nóng” ở địa phương như lái xe. Dù công việc này chưa thể gọi là ổn định nhưng trước mắt đã tạo ra được thu nhập cho anh em”, anh Lê Văn Thân, Bí thư Đoàn xã Hòa Phú nói.

Để góp phần tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai phong trào “Bốn mới” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gồm: Kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới. Theo đó, Đoàn Thanh niên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiến thức về nông - lâm - ngư nghiệp cho thanh niên, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho thanh niên vay vốn để sản xuất, qua đó góp phần giúp thanh niên chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, vươn lên lập thân, lập nghiệp, tránh xa những tiêu cực trong cuộc sống.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.