Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan Nhà nước vừa là yêu cầu và là động lực để xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước, hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch. Đó cũng chính là mục tiêu Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng phấn đấu vươn tới trong việc hiện đại hóa phương thức làm việc.
Ứng dụng CNTT đã làm tăng hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động của Sở Nội vụ. Ảnh: SƠN TRUNG |
Sở Nội vụ đã và đang áp dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức hành chính, sự nghiệp; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức phường, xã; phần mềm quản lý tài chính, kế toán; quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng; các hệ thống báo cáo trực tuyến về cải cách hành chính; khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ công; quản lý hồ sơ một cửa, một cửa liên thông tại UBND phường, xã, quận, huyện; đánh giá kết quả làm việc của công chức... Cổng làm việc hỗ trợ một hệ thống quản trị công việc, được thiết lập khoa học và tiện ích mà ở đó các thông tin về công chức cơ quan đang hiển thị trên máy làm việc, thông tin, góp ý, thư mời, thông báo, chat nội bộ, số liệu dùng chung, thư viện ảnh và các tài liệu chia sẻ cùng các tính năng thông thường khác… Mọi người có thể đến với trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ với nhiều thông tin mới, các chính sách của Trung ương cũng như của địa phương và nhiều dữ liệu cần thiết cần tìm; đặc biệt được cập nhật hằng ngày.
Không dừng lại ở đó, là cơ quan tham mưu cho thành phố việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính Nhà nước, nhiều năm qua Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan liên quan tham mưu cho thành phố nhiều quy định, giải pháp ứng dụng CNTT, nhất là phục vụ cho công tác CCHC, từ một cửa, một cửa liên thông ra đời đến một cửa điện tử; hỗ trợ các đơn vị từng bước hình thành thói quen sử dụng CNTT trong công việc. Hiện nay, toàn thành phố có 100 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4. Sở đã tổ chức các cuộc thi qua mạng Internet cho toàn thể công chức hành chính của thành phố và tất cả các Chủ tịch phường, xã. Qua đó, kiểm chứng khả năng của công chức về kỹ năng ứng dụng CNTT. Tuy còn nhiều vấn đề hạn chế cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhưng cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Tuy vậy trong quá trình triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong nội bộ Sở khó khăn trở ngại, đó là:
- Về cơ chế, chính sách đến nay vẫn chưa đầy đủ như việc thực hành chữ ký số trong giao dịch hành chính, việc lưu trữ hồ sơ công việc trong công sở không bảo đảm quy định về công tác quản lý văn bản của Nhà nước, công tác bảo mật trong cơ quan hành chính không khuyến khích thông tin lên mạng hoặc chưa phân loại được tài liệu để cung cấp công khai...
- Về con người, nhân tố quyết định trong việc mang lại hiệu quả trong ứng dụng CNTT, xuất phát từ cả 2 phía người dân và cán bộ, công chức, để thành công trong việc hình thành chính quyền điện tử thì ở đó các dịch vụ công do cơ quan cung cấp phải thật sự dễ dàng tiếp cận và thật sự mang lại nhiều tiện ích hơn cách làm cũ, điều này đòi hỏi công chức phải chuyên nghiệp trong phương pháp, kỹ năng tiếp cận dịch vụ mình đưa ra. Đối với người dân phải thường xuyên sử dụng hình thức trực tuyến để trở thành công dân điện tử. Muốn làm được điều này ngoài việc phát triển của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đòi hỏi phải có sự vận động tuyên truyền sâu rộng và tạo nên thói quen sử dụng CNTT trong xã hội, trước mắt trong nhà trường các cấp và trong các dịch vụ thông dụng hiện có. Trong nội bộ từng đơn vị, vai trò của người thủ trưởng đơn vị quyết định trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, là động lực thúc đẩy và tạo cơ chế, điều kiện, phương pháp cung cấp thông tin.
- Thiết lập hệ thống quản trị việc ứng dụng CNTT trên phạm vi thành phố thống nhất, đương nhiên đòi hỏi tính thông minh và hiện đại, mục đích trước mắt là hỗ trợ, liên kết giữa các dịch vụ với nhau. Điều này đòi hỏi đến kỹ thuật và công nghệ cũng như phương pháp và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, đầu tư kinh phí bảo đảm các hoạt động cung cấp dịch vụ được diễn ra liên tục, ở mức tối thiểu có thể, nhất là tạo lập được cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất.
Để việc ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính Nhà nước có hiệu quả là công việc không hề đơn giản, tuy vậy nếu có được chính sách nhất quán, lâu dài, có bước đi, lộ trình, có đầu tư nghiên cứu thì tất yếu sẽ đạt mục tiêu mong đợi. Trong điều kiện chung hiện nay, Sở Nội vụ tìm tòi chọn cách đi riêng của mình. Bài học đầu tiên là sự đồng thuận tạo thói quen, tìm tòi, mong muốn hiệu quả hơn từ ứng dụng thường xuyên CNTT để hỗ trợ từng việc, từ đơn giản đến phức tạp, từ việc nhỏ đến việc lớn... Qua đó, công nghệ thông tin “ngấm dần” trong lề lối làm việc của công chức. Danh hiệu biểu dương dành cho đơn vị cấp Sở trên toàn quốc ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả nhất năm 2011 do Bộ Thông tin và Truyền thông trao cho Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng là niềm động viên to lớn để đơn vị thực hiện tốt hơn về lĩnh vực quan trọng này trong thời gian tới.
ĐẶNG CÔNG NGỮ