.

Bác Dũng “sau cai”

.

Người đàn ông đứng tuổi đi chiếc xe máy cà tàng vượt hơn 50km có mặt từ rất sớm tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06) để đón 2 học viên. Chưa kịp ráo mồ hôi, ông đã vội đi lo thủ tục, rồi ân cần hỏi han và dặn dò các em. Nhiều người nhầm tưởng là gia đình của học viên nhưng thực chất, ông là cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội của phường Thạch Thang, quận Hải Châu.

Ông Dũng (bìa phải) tất bật với công việc của cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
Ông Dũng (bìa phải) tất bật với công việc của cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Đã 10 năm rồi, bất kể thứ bảy hay chủ nhật, ông Nguyễn Văn Dũng (49 tuổi) luôn bận rộn, khi thì đến nhà hỏi thăm các đối tượng sau cai, lúc lại tất bật hoàn chỉnh hồ sơ để đón các đối tượng từ Trung tâm 05-06. Người ta thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: Bác Dũng “sau cai”.

Không cần mở hồ sơ, ông cười, chỉ vào đầu mình: “Hồ sơ nằm ở đây rồi” và đọc vanh vách tên tuổi 23 người đang ở Trung tâm 05-06 hoặc ở tù, hoặc đã hòa nhập cộng đồng và hoàn cảnh gia đình của họ. Phan Văn T. (27 tuổi) và Nguyễn Trường H. (28 tuổi) vừa được ông Dũng cùng gia đình đón về vào tháng 4 năm nay. Cả hai đều học đến lớp 7 rồi nghỉ, làm nghề tự do và theo bạn xấu rủ rê. Đầu tiên là đến vũ trường, dùng thuốc lắc rồi dính vào ma túy lúc nào không hay. “Một ngày cháu làm được bao nhiêu tiền mà lấy của ba mẹ 300.000 đồng đi hút chích? Khi nào làm ra tiền rồi hãy tính chuyện ăn chơi. Nghe lời bác, chí thú làm ăn đi!”, ông Dũng nói với T. Đến nay, T. và H. đã không còn nghe theo bạn xấu và cũng bỏ dần ma túy. H. thổ lộ: “Em xem bác Dũng như cha, như chú. Cả nhà em ai cũng quý bác ấy vì những lúc khó khăn nhất đều có bác ấy giúp đỡ”.

Trong túi áo bộ đội bạc màu của ông Dũng lúc nào cũng sẵn cuốn sổ nhỏ và cây viết. Những khi đi dạo, đi công việc, ông đều chú ý quan sát và nghe ngóng, rồi ghi chép lại những trường hợp thanh-thiếu niên có biểu hiện hư hỏng. Chẳng hạn như em Hiền thường ngồi quán cà-phê với mấy bạn đầu nhuộm tóc xanh tóc vàng, em Lan thường đi vũ trường và về rất khuya... Những gì nghe được, ông đều bí mật thông báo với gia đình và tổ dân phố. Lúc đầu có gia đình phản ứng, nhưng họ cũng âm thầm theo dõi con mình và thấy ông Dũng nói đúng.

Nhờ những phát hiện kịp thời của bác Dũng “sau cai” và sự can thiệp của gia đình, địa phương, nhiều thanh-thiếu niên tỉnh ngộ, trở về con đường lương thiện, tránh xa ma túy. Giờ đây, đối với 12 đối tượng sau cai đang được quản lý tại cộng đồng, ông Dũng đã trở thành người bác, người chú trong gia đình. Ông luôn theo sát, hỏi han các em bằng điện thoại hoặc gặp gỡ: “Huy, dạo này làm gì rồi? Đi uống cà-phê với chú!”, “Đông, cháu đã xin được việc đó chưa? Ừ, không được thì tìm chỗ khác, để chú hỏi giúp xem sao”... Ở quán cóc vỉa hè, ông và các đối tượng sau cai trò chuyện như bạn bè cũ lâu ngày gặp lại. Ông đã đề xuất cho Nguyễn Hoàng Quốc H. và Nguyễn Thị Thu Đ. được hỗ trợ 20 triệu đồng để kiếm kế sinh nhai. Còn Trần Đình H., vốn là tay quậy có tiếng, nhờ ông Dũng giúp đỡ đã trở thành một thành viên dân phòng tích cực và là cộng tác viên tuyên truyền phòng chống ma túy. Nguyễn H. (16 tuổi) có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông Dũng đã vận động địa phương hỗ trợ cho em chiếc xe đạp để tiếp tục đến trường. Đến giờ H. là thợ sửa xe lành nghề và sống lương thiện, đoạn tuyệt với nàng tiên nâu. Hồ sơ về các đối tượng được ông giữ gìn cẩn thận, bởi “người đời vẫn còn nhiều kỳ thị nên mình phải giữ kín để đường về của các em gần hơn”.

10 năm với những việc làm không tên như thế mang lại cho ông Dũng lắm buồn, vui. Cái chất can trường của người lính từ thời còn ở chiến trường Campuchia giúp ông vượt qua mọi khó khăn khi trở về đời thường. Ban đầu, ông làm đủ nghề, từ lái xe đến khuân vác, rồi được khu phố tín nhiệm bầu làm tổ trưởng dân phố, đến trưởng đội quy tắc đô thị và nay là cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội của phường. Buổi đầu, trợ cấp dành cho cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội chỉ hơn 200.000 đồng/tháng, đến nay được 1,5 triệu đồng/tháng. Cách đây 2 năm, đứt nguồn trợ cấp, có người bỏ ngang, người chuyển nghề nhưng ông Dũng vẫn bám trụ bởi “ai cũng không làm thì lấy ai giúp đỡ các em?”. Giấy khen của quận, bằng khen của thành phố được ông cất kỹ trong căn phòng làm việc khá chật chội, bởi ông nói rằng, “việc làm của mình nhỏ thôi mà, không có gì đáng nói”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.