.
Biên giới, lãnh thổ

QUÁ TRÌNH XÁC LẬP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

(Tiếp theo)

Một tài liệu khác của Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi nhận điều trên: “Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những bãi đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816 hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy”. (1)

Hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841). Năm 1833, vua Minh Mạng phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, vua cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực tòa miếu cổ. Năm 1836, vua quyết định hằng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ “Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.(2)  Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839, vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...

(Còn nữa)


(1) Dẫn theo: Võ Long tê, Ibid., p. 168.

(2) Dẫn theo: Nguyễn Quang ngọc, “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX: Tư liệu và sự thật lịch sử”. Nguồn: Chi-Blog.

;
.
.
.
.
.