.

­Cần lắm những vòng tay với người đồng tính!

.

Dù có được xã hội công nhận hay không thì người đồng tính vẫn muốn được yêu và vui buồn với tình yêu của mình. Họ cần sự sẻ chia, không kỳ thị và cần một cánh cửa mở để bước vào cuộc đời bình thường như bao người.

Người đồng tính cũng khát khao hạnh phúc như bao người bình thường khác.
Người đồng tính cũng khát khao hạnh phúc như bao người bình thường khác.

Khao khát hạnh phúc

Người ta nói người đồng tính thay người tình như thay áo, nhưng theo Băng Châu (một gay ở thành phố Đà Nẵng) thì hoàn toàn không phải vậy. “Tình cảm của những người đồng tính cũng qua tìm hiểu kỹ càng, đã yêu thật sự thì rất bền chặt, khi chia tay cũng đau khổ, tuyệt vọng như tình yêu nam nữ”, Châu chia sẻ. Châu cũng có tình yêu đẹp với một “anh” trong giới hơn 3 năm và cũng phải mất ngần ấy thời gian mới có thể đến với mối tình thứ hai hiện tại. Còn người yêu của L.T.H (ở quận Liên Chiểu) vì không chịu nổi áp lực của cha mẹ đã nhắm mắt đưa chân cưới vợ và sinh con. Nhưng rồi “chàng” vẫn không thể trở thành người đàn ông đúng nghĩa, cuộc hôn nhân không tình yêu ấy đi đến hồi kết.

Giới đồng tính nam (gay) cũng phân chia vị trí hẳn hoi, một người làm “chồng”, người kia làm “vợ”. Người làm “chồng” trông vẫn giống người đàn ông bình thường, họ không thể mặc váy, trang điểm… như “vợ”. Bởi vậy, đôi khi họ thường được gọi là “bóng kín” (không thể hiện là người đồng tính).

Với giới đồng tính nữ (les) cũng vậy, họ cũng ngầm quy định một người làm chồng và một người làm vợ. Sự kỳ thị của xã hội dành cho les nhiều hơn gay nên áp lực đối với cuộc sống và tình yêu của họ cũng nhiều hơn. Thường thì les tự giấu mình hoặc ẩn mình trong bốn bức tường nhằm tránh điều tiếng. Gay có thể quan hệ với nữ, dù ngoài ý muốn nhưng les tuyệt nhiên không thể quan hệ với nam. “Bọn em chỉ ước có thể được nắm tay người yêu đi trên đường như những đôi nam nữ yêu nhau khác mà không bị mọi người kỳ thị”, H. chia sẻ. Ước mơ về một mái nhà, được sống với người yêu dù không con cái có lẽ còn quá xa vời đối với họ.

Sẻ chia

Theo Trường, Trưởng nhóm MSM (người đồng tính) thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS ở Đà Nẵng, 6 năm qua, nhóm đã tiếp cận và tư vấn cho khoảng hơn 3.000 người đồng tính, trong đó cả “bóng lộ” và “bóng kín”. Họ liên lạc, làm quen, gặp gỡ nhau trên các trang mạng dành cho giới như:
tinhyeutraiviet.com, taoxanh.net, tgt3.com, adamzon.vn… “Nhờ có các trang mạng này mà chúng em có thể tâm sự với nhau, giới thiệu cho nhau những địa điểm sinh hoạt dành cho giới, những quán cà-phê quen thuộc và ít bị mọi người dòm ngó”, Phương, gay 19 tuổi, ở quận Sơn Trà bộc bạch. Phương cho biết, vào mạng mới thấy nhiều người đồng cảnh tại Đà Nẵng cũng như trên cả nước, chủ yếu ở lứa tuổi 16, 17. Họ cũng là kỹ sư, bác sĩ, công nhân, sinh viên… và thế giới của các “bóng” cũng có bao niềm vui, nỗi buồn, ganh ghét, hiềm khích lẫn nhau.

Minh, thành viên ban chủ nhiệm CLB Ánh sao đêm (vừa được đổi thành nhóm MSM Đà Nẵng) cho biết: “Các thành viên trong nhóm đã tổ chức các buổi sinh hoạt, lồng ghép tuyên truyền về tình dục an toàn, phòng chống HIV/AIDS cho các bạn trong giới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vì giấu giếm nên các bạn thiếu sự sẻ chia, thiếu thông tin. Có bạn còn không biết bao cao su là gì, chưa được truyền thông đúng cách, không kiểm tra về HIV/AIDS”. Nhóm MSM đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và từ thiện như xây nhà tình thương cho người nghèo ở quận Hải Châu. Được biết, Bộ Tư pháp đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Hôn nhân và gia đình, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2013 để xem xét việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính. Còn Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng hiện vẫn duy trì phòng tư vấn, khám miễn phí về sức khỏe, tình dục cho người đồng tính.

“Chúng tôi chỉ cần mọi người đừng kỳ thị. Hãy cho chúng tôi đi chung một con đường, dù nhỏ cũng được”, Châu nói. Tâm sự của Châu cũng là niềm mong mỏi của bao người đồng tính khác..

Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho rằng: “Người đồng tính không bị bệnh, họ hoàn toàn bình thường. Họ chỉ là những người có xu hướng tình dục khác người bình thường. Nhiều người trong số họ giỏi, thậm chí có tài. Quy định trên 16 tuổi mới khám, xét nghiệm HIV, nhưng các em phát triển sớm, có khi 14 tuổi đã có quan hệ. Đây cũng là điều bất cập. Chúng tôi đã tổ chức sự kiện, hỗ trợ cho họ các mô hình hoạt động để tự làm ra tiền, thông qua các dự án đào tạo kỹ năng để tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho người khác. Mình có muốn cấm cũng không được vì càng cấm thì họ càng tò mò, lén lút gặp quan hệ ở những tụ điểm, những nơi vắng người rất nguy hiểm vì cướp giật. Tôi nghĩ nên có môi trường pháp lý cho họ trong mọi hoạt động”.

  Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.