.
CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Bạo lực bằng... tin nhắn

.

Bạo hành bằng đánh đập, ngược đãi còn dễ phát hiện, ở thời đại người người có điện thoại di động, nhiều ông chồng chuyển hình thức “đánh” vợ bằng tin nhắn. Ngặt một nỗi, “chiêu” này khó bị xử lý nên các ông cứ thế phát huy tối đa.

Đủ kiểu “đánh” vợ bằng... tin nhắn.                                              Ảnh minh họa từ Internet
Đủ kiểu “đánh” vợ bằng... tin nhắn. Ảnh minh họa từ Internet

Sau ly hôn, không ít chị em tiếp tục sống dở, chết dở với kiểu hành xử dây dưa từ chồng cũ. Hết dọa nạt, uy hiếp rồi đến van xin, trách móc, những tin nhắn không đợi mà đến dồn dập khiến cuộc sống của người phụ nữ trở nên nặng nề. Họ chỉ biết âm thầm đau khổ đợi người kia chán ngán “trò chơi” này. Nhưng khoảng thời gian thử thách sự chịu đựng của họ có khi kéo dài cả năm, thậm chí nhiều hơn. Trong trường hợp bạo lực gia đình dẫn đến thiệt hại về tài sản, nguy hại đến sức khỏe, các cơ quan chức năng (cụ thể là Công an địa phương và Hội LHPN) còn căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết. Đằng này “cuộc chiến”… điện thoại tưởng chẳng làm trầy xước ai, nhưng gây nên những tổn thương sâu sắc, lại chưa có cách xử lý thích hợp. Không ít chị bị trầm cảm, chấn động tâm lý để rồi mang cả những lời nhắn của chồng vào bữa cơm, giấc ngủ.

Kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 20 năm bằng đơn ly hôn, chị N. đã trải qua những ngày tháng thật khủng khiếp để chia tay một cách êm đẹp. Tưởng bình yên kể từ khi hai người không còn là vợ chồng hợp pháp, nhưng sự thể đã không dừng lại như chị N. mong muốn. Liên tục nhiều ngày sau đó, người chồng cũ cứ lởn vởn trước nhà để theo dõi và có thái độ can thiệp vào cuộc sống riêng của chị. Được Công an nhắc nhở, người này đã không “quậy” nữa mà chuyển sang quấy rối bằng điện thoại di động. Cách này có vẻ không bị ai “sờ gáy” nên được người chồng tận dụng triệt để, bất kể ngày đêm. Chị N. cho biết, ban đầu là những tin dọa như: “Tao là người xây nhà nên sẽ biết đường lẻn vào rồi làm việc này, việc kia hại đời mày. Nếu mày rước “dượng” về thì sẽ biết chuyện gì xảy ra...”. Vừa lớn tiếng xong thì cũng chính người này dịu lại nói ngon ngọt: “Em cố gắng chăm sóc các con cho tốt nhé... Sao các con nỡ đồng ý cho ba mẹ xa nhau...”.

Chị N. tâm sự bằng vẻ mệt mỏi, suy sụp: “Thật sự tôi không thể tiếp tục chịu đựng. Chẳng biết lời hù dọa kia là thật hay chỉ là nói suông, nhưng đêm ngày tôi luôn nơm nớp lo sợ. Mình thân đàn bà cô quạnh biết chống đỡ ra sao? Còn mỗi lần nghe những lời đường mật, nói xin lỗi, tôi thấy ghê sợ”.

Mang nỗi lo lắng và cả việc lưu những tin nhắn trên tìm đến Công an địa phương, chị N. chỉ nhận được lời động viên: Đợi khi nào anh này tìm về nhà gây chuyện mới xử lý được, còn nói qua tin nhắn thế này thì... chưa làm được gì. Chị N. từng đổi số điện thoại nhưng bằng cách nào đó người chồng cũ cũng truy ra số mới. Bế tắc, chị N. định bỏ xứ ra đi vĩnh viễn để không bao giờ người chồng cũ còn tìm ra mình. Cách đây không lâu, chị nghỉ việc vài ngày để đi đến một thành phố khác tìm hướng sinh sống. “Nhưng tôi sẽ phải bắt đầu từ đâu, làm nghề gì để kiếm ra tiền khi bên mình còn hai đứa con đang ăn học? Vậy là tôi đành quay về và đau khổ “sống” với hàng loạt những tin nhắn đầy ám ảnh...”, chị N. nói.

H.D
 

;
.
.
.
.
.