.

“Chưa tích nước lại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2”

.

Trước những diễn biến về biến đổi khí hậu, biến đổi địa chất hết sức phức tạp về động đất trong thời gian qua tại khu vực Thuỷ điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo chưa tích nước lại hồ chứa tại công trình thủy điện này.

Đập thủy điện Sông Tranh (Ảnh: TTXVN).
Đập thủy điện Sông Tranh (Ảnh: TTXVN).

Ngày 21-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp cùng các chuyên gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng vấn đề của thuỷ điện Sông Tranh 2, công trình đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tham dự có đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ban quản lý dự án Thuỷ điện 3, Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đây là trường hợp đầu tiên ngành xây dựng công trình của Việt Nam phải cân nhắc trước nguy cơ thảm hoạ thiên nhiên nên phải nghiên cứu, cân nhắc hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ với yêu cầu cao nhất “tất cả vì sự an toàn của công trình, của đời sống người dân”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu cùng các Bộ, ngành liên quan, thuê các tổ chức, chuyên gia nước ngoài tiếp tục kiểm tra, đánh giá toàn diện về tác động của động đất ở khu vực đến an toàn của công trình thuỷ điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ đang diễn ra, để khi có kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn nữa.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ xem xét, quyết định chính thức việc tích nước Thuỷ điện sông Tranh 2. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cần thể hiện trách nhiệm lớn đối với những quyết định về công trình, về tình hình biến đổi địa chất trong khu vực này.

Theo đó, Bộ Công Thương, EVN hoàn thiện hệ thống quan trắc, tổ chức theo dõi sát sao lưu lượng thấm trong quá trình mưa lũ cũng như tình hình vận hành của đập. Đặc biệt là trang bị thêm các máy gia tốc để làm cơ sở nghiên cứu chi tiết và toàn diện hơn về quy luật biểu hiện động đất và các điều kiện địa chất kiến tạo khu vực Bắc Trà My và lân cận, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này tới sự ổn định của đập, làm cơ sở cho việc vận hành an toàn công trình này.

Bộ Công Thương điều chỉnh quy trình điều tiết hồ chứa và lưu vực, phòng chống lũ của khu vực khi chưa tích nước trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện tuyên truyền, vận động, công bố rộng rãi thông tin để người dân địa phương hiểu rõ, an tâm cũng như phổ biến, hướng dẫn những kiến thức về phòng chống lụt bão, vấn đề ứng phó với các biến đổi địa chất trong vùng… xem xét biện pháp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do động đất thời gian qua.

Đồng thời, đảm bảo cung cấp thông tin, phát ngôn thống nhất, nhất quán từ các cơ quan có trách nhiệm để các phương tiện thông tin đại chúng thông tin chính xác, khách quan các vấn đề liên quan.

Các báo cáo tại cuộc họp cho biết, công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 kể từ khi thi công đã sớm được đưa danh mục công trình do Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra từ năm 2007.

Hội đồng đã thực hiện nhiều đợt công tác kiểm tra hiện trường, kiểm tra công tác thi công xây dựng, hồ sơ quản lý chất lượng, số liệu kết quả thí nghiệm vật liệu đầu vào, thí nghiệm mẫu bê tông đúc ở hiện trường trong quá trình thi công, các số liệu quan trắc…

Đặc biệt, sau khi xảy ra hiện tượng thấm, chủ yếu qua khe nhiệt ra bề mặt hạ lưu đập và động đất kích thích ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2, công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, độ an toàn, ổn định đập được đặc biệt coi trọng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 117/TB-VPCP và 4127/VPCP-KTN, các cơ quan quản lý, chuyên môn trong nhiều lĩnh vực đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, khảo sát liên tục, quy mô.

Bộ Xây dựng đã thuê AF-Colenco (Thuỵ Sỹ) là đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm quốc tế tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá, đưa ra kết quả chính xác, khách quan.

Đến nay, kết quả các cuộc khảo sát, đánh giá chuyên môn từ nhiều cơ quan, lĩnh vực đều thống nhất, về tiêu chuẩn thiết kế đập đúng với tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.

Trong tất cả các tổ hợp tải trọng, đập làm việc an toàn, ổn định, không phát hiện thấy biểu hiện của bất kỳ vết nứt ở mặt thượng lưu và hạ lưu đập, cũng không có vết nữa ở kết cấu phụ, trên đỉnh đập và bản thân đập khi kiểm tra hiện trường đập.

Sau gần một tháng từ ngày kết thúc xử lý thấm, kết quả kiểm tra khẳng định phương án xử lý thấm là đúng hướng và bước đầu đạt hiệu quả.

Lưu lượng thấm ổn định, không biến động với tổng lượng thấm tại máng đo lưu lượng là 2,6 l/s (kết quả đo ngày 19-9-2012, ứng với mức nước hồ ở cao trình 140m).

Báo cáo của AF-Colenco cho biết, qua phân tích ổn định độc lập cho thấy đập an toàn chống lật và lật ngược, các ứng suất đều nằm trong giới hạn cường độ dưới những điều kiện tải trọng đề ra trong tiêu chuẩn thiết kế. Đập cũng an toàn trong trường hợp mức nước hạ lưu tăng lên và trong trường hợp có trân động đất lớn hơn nhiều so với trận được giả định trong thiết kế.

Colenco còn khẳng định, hồ chứa có thể được tích nước lại một cách an toàn trong mùa lũ sắp tới.

Từ các kết quả khảo sát này và ý kiến các chuyên gia, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã có kết luận đập thuỷ điện Sông Tranh đảm bảo an toàn, ổn định theo thiết kế ở mức nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150 cm/s 2 .

Thậm chí, đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220 cm/s 2 và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắc và nền đập bị nứt hoàn toàn.

Theo Vật lý địa cầu, từ ngày 17-8 đến 7-9 tại khu vực đập đã ghi nhận 15 trận động đất, trong đó có 2 trận lớn nhất có M = 4,2 và M = 4,0 độ richter.

Gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái đập là 88,3cm/s2, chưa vượt ngưỡng gia tốc động đất thiết kế là 150 cm/s2.

Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng gì tới đập.

TTXVN

;
.
.
.
.
.