.

Đà Nẵng: Sẽ có nhiều đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất

.

(ĐNĐT) - Tại cuộc họp tổng kết công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ khi thực hiện Luật đất đai (2003) chiều 14-9, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nề nếp, thuộc loại tốt nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại những hạn chế, bất cập như tình trạng xây dựng nhà trái phép trong khu quy hoạch, trên đất nông nghiệp; giao đất, chuyển đổi mục đích còn tuỳ tiện; một số trường hợp đền bù còn chưa thoả đáng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định, đơn cử như tại địa bàn Hoà Vang dẫn đến phải hủy hơn 1.000 sổ đỏ.

Do vậy, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất. Trong công tác này cũng đặt ra các nhiệm vụ có tính đột phá như lập Chi cục quản lý đất; thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng cải cách hành chính từ mô hình một cửa.

a
Công tác quản lý đất đai ở Đà Nẵng ngày càng đi vào nề nếp, thuộc loại tốt nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương.

Sẽ thành lập Chi cục quản lý đất

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh nói: “Bộ máy phải khỏe mạnh, chuyên nghiệp thì mới đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới”. Do đó, bổ sung biên chế, hợp đồng lao động, điều động cán bộ cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Bộ máy quản lý đất được cơ cấu thành lập theo Chi cục hoạt động ngành dọc dưới sự điều hành của giám đốc sở.

Trước mắt, công tác quản lý và sử dụng đất nhanh chóng được lập bản đồ số hóa với việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết tình hình sử dụng đất. Quy hoạch phải chỉ ra được nơi đâu là đất ở ổn định, khu vực sẽ giải tỏa, khu vực chuẩn bị giải tỏa.

Bước đột phá trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được thống nhất triển khai theo phương án quy về một đầu mối tại Sở TN-MT với nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, đo đạt thực tế... sau đó chuyển đến UBND thành phố ký cấp. Thời gian quy định cấp sổ đỏ trong vòng 15 ngày làm việc.

Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các văn bản hướng dẫn thực hiện theo ngành chỉ được tổ chức chỉ đạo và thực hiện trong nội bộ, không triển khai đến các UBND quận, huyện. Việc cấp sổ đỏ xin ý kiến bộ, ngành và Trung ương được thí điểm phân loại đất, mục đích sử dụng để quản lý.

“Đất cấp cho cơ quan, đơn vị hành chính... nếu vẫn duy trì sổ đỏ thì người sử dụng lại đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng là không đúng bởi đất đó là sở hữu nhà nước. Nếu đất công đem đi cầm cố và trong tình huống xấu thì ngân hàng lấy đất sẽ gây tổn thất cho tài sản công”, ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Ví dụ, sổ đỏ phải cần phân loại như đất ở đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thì cấp sổ màu đỏ, tương tự tài sản gắn liền trên đất thì màu hồng, đất cho thuê thì sổ màu xanh, đất còn nợ tiền sử dụng đất thì màu trắng...

Giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó

Việc tách thửa căn cứ theo quy định hạn mức sử dụng đất. Tách thửa xem xét theo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân nhưng linh hoạt và không để xảy ra tình trạng tách thửa quá nhỏ gây nên tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo; ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi về chính sách đền bù giải tỏa.

Đối với công tác thu hồi, đền bù giải tỏa, giao UBND thành phố sửa đổi, bổ sung các quy định về đền bù, giải tỏa và tái định cư. Khi thực hiện quy hoạch giải tỏa phải có ngay phương án tái định cư trên cơ sở giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó. Xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không bố trí đất tái định cư sau giải tỏa. Trong thời hạn 3 ngày các quyết định về thu hồi đất hay quy hoạch phải chuyển đến chính quyền cơ sở. Để chống tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, chủ tịch UBND các xã phường phải chịu trách nhiệm, nghiêm cấm xây dựng trái phép trên đất công, đất nông- lâm nghiệp, mặt nước.

Trước thực trạng quản lý lỏng lẻo về rừng, đất lâm nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh yêu cầu sớm lập lại trật tự kỹ cương, trong đó Sở TN-MT, Chi cục Kiểm lâm, Viện Quy hoạch xây dựng gấp rút đi thực địa tổng kiểm tra, rà soát việc cấp phép. Tiếp đó, phải tiến hành đo đạt, vẻ thửa cấp đổi, cấp mới, giao quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.

 Điều tra làm rõ các trường hợp giả mạo bút phê, chữ ký của lãnh đạo thành phố

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần công khai nhưng UBND thành phố mới có thẩm quyền quyết định. Đất chuyển mục đích sử dụng thì công khai đấu giá thu tiền sử dụng đất trên cơ sở giao Trung tâm đấu giá tài sản thành phố thẩm định giá. UBND thành phố quản lý chặc chẽ đất tái định cư đối với các lô, thửa đất sinh lợi như ngã 3, ngã 4...

Đồng Nò thuộc dự án Khu đô thị sinh thái làng quê ven sông Hòa Quý nơi có dấu hiệu điển hình cho các vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất.
Đồng Nò thuộc dự án Khu đô thị sinh thái làng quê ven sông Hòa Quý, nơi có vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất.

Các phó Ban quản lý hay công ty có nhiệm vụ bố trí đất tái định cư không ký trình văn bản tham mưu lãnh đạo thành phố về bố trí tái định cư. Những trường hợp có bút phê duyệt xét của lãnh đạo thành phố phải chuyển lại lãnh đạo và UBND thành phố để kiểm tra.

Đối với việc khai thác quỹ đất, đơn vị thực hiện phải tiến hành đo đạt diện tích thực tế trước khi có thông báo đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Sở TN-MT sớm thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cửa, quy định chức năng nhiệm vụ trách nhiệm của người tham mưu, giúp việc, xử lý nội dung vụ việc; quy định việc ký chú hồ sơ, thủ tục.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo Thanh tra Sở TN-MT, Thanh tra Thành phố và Công an thành phố điều tra làm rõ các vụ việc diễn ra trong thời gian qua như làm rõ các đường dây chạy tách thửa, lập sổ đỏ sai quy định; vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cấp sổ đỏ chồng lấn ở Đồng Nò; điều tra làm rõ cán bộ dự án có hành vi móc nối làm giả hồ sơ, bút phê, chữ ký lãnh đạo để nhận đất tái định cư.

Cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng

“Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Với sự đồng thuận của chính quyền và các tầng lớp nhân dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để cùng với chính quyền quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Từ năm 2003 đến nay, nguồn thu từ đất của thành phố khoảng trên 20.000 tỷ đồng, phục vụ kịp thời cho đầu tư phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc  sống mới sau giải tỏa. 

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở tại các quận, huyện đến nay đã đạt trên 95% diện tích đất cần cấp GCN. Thành phố đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 82.000m2 đất; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 206 triệu đồng. Thành phố đã giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai (đạt 98,88%); 972/998 đơn khiếu nại (đạt 97,40%); 19/19 đơn tố cáo (đạt 100%); và 52/52 đơn đòi lại đất cũ (đạt 100%).

(Nguồn: UBND thành phố Đà Nẵng)

Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.