.

Để khống chế hiệu quả bệnh tay-chân-miệng

.

Từ đầu năm đến nay, có gần 2.800 trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM). Số ca mắc tuy giảm trong những tháng gần đây nhưng tình hình lây truyền vẫn tiếp diễn. Vì vậy, để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh TCM, ngành y tế thành phố đang phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương hướng trọng tâm vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bà mẹ có con trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh.

Các bà mẹ có con dưới 5 tuổi được hướng dẫn cách phòng, tránh bệnh TCM.
Các bà mẹ có con dưới 5 tuổi được hướng dẫn cách phòng, tránh bệnh TCM.

Tuyên truyền ở các hộ có trẻ dưới 5 tuổi

Chị Nguyễn Thị Tố Trinh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) có 2 con nhỏ (4 tuổi và 10 tháng tuổi). Với chị, việc giữ gìn vệ sinh cho con mình là cách tốt nhất để phòng, tránh bệnh TCM. “Mỗi lần các cháu đi vệ sinh xong, tôi đều nhắc nhở cháu rửa tay sạch sẽ hoặc tự mình rửa tay bằng xà phòng cho cháu, kể cả trước khi ăn cơm cũng rửa tay”, chị Trinh nói. Trong khu phố chị Trinh ở, có 3 trẻ mắc bệnh TCM và chị đã chủ động cách ly, không cho con mình tiếp xúc hay đến chơi tại nhà có trẻ bị bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế thành phố xác định việc giữ gìn vệ sinh cho bản thân trẻ và những người chăm sóc trẻ là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn việc lây truyền bệnh TCM trong cộng đồng. Và những bà mẹ có con dưới 5 tuổi là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc thực hành thói quen vệ sinh để phòng bệnh. Bởi trong số các ca mắc bệnh TCM đã phát hiện, chiếm số đông vẫn là những trẻ trong độ tuổi từ 0-5 tuổi. Đồng thời, có đến 85% ca mắc bệnh được phát hiện tại các hộ gia đình. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh TCM cho các bà mẹ là yêu cầu cấp thiết nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng mắc và lây truyền bệnh trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Ngoài việc tuyên truyền mạnh trên các phương tiện truyền thông thì sự hướng dẫn, phổ biến kiến thức về bệnh TCM trực tiếp tại các hộ gia đình là cách làm khá hiệu quả và có tác động mạnh đến việc thay đổi nhận thức của các bà mẹ, nhất là những người có con dưới 5 tuổi. Do vậy, Hội Chữ thập đỏ thành phố, đơn vị đang tiến hành dự án Ứng phó khẩn cấp bệnh TCM đã xây dựng đội ngũ hơn 200 tình nguyện viên, tập trung đến quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang để phát tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng thực hành vệ sinh phòng bệnh TCM cho các bà mẹ. “Mỗi tình nguyện viên sẽ phụ trách việc truyền thông giáo dục sức khỏe tại 30 hộ gia đình có con dưới 5 tuổi. Và ít nhất một tình nguyện viên đến thăm mỗi hộ 4 lần/tháng nhằm giám sát việc thay đổi hành vi của các bậc cha mẹ. Hoạt động này sẽ diễn ra liên tục trong 6 tháng nhằm giúp các bà mẹ, những người chăm sóc trẻ, kể các các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng bảo đảm vệ sinh khi tiếp xúc hoặc chạm vào trẻ, từ đó giảm tỷ lệ mắc, tử vong và lây bệnh trong cộng đồng”, anh Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, Trưởng Ban điều hành dự án Truyền thông phòng, chống bệnh TCM ở Đà Nẵng cho biết.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, đã có 12 trường hợp trẻ mắc TCM phát hiện tại chùa Quan Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), nơi đang nuôi dưỡng gần 50 trẻ em bất hạnh. Đặc biệt, số ca mắc nhiều chỉ xuất hiện trong thời điểm rằm tháng 4, khi có đông phật tử đến chùa bái Phật kết hợp với thăm nom, chăm sóc các em đang sinh sống tại chùa. Việc trẻ tiếp xúc với nhiều người và thiếu sự chăm sóc đúng cách để phòng bệnh TCM đã dẫn đến việc số trẻ mắc và lây bệnh ở đây tăng đột ngột. Sự việc này cho thấy, nếu người lớn không giữ gìn vệ sinh tốt thì cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh cho trẻ. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh cho trẻ không chỉ một người là thực hiện được mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Bất cứ ai tiếp xúc với trẻ đều phải bảo đảm tay mình sạch để tránh truyền bệnh cho các em.

Hiện nay, cách duy nhất phòng tránh bệnh TCM chỉ có thể thực hiện thông qua các thói quen vệ sinh, thực hiện lối sống 3 sạch cho trẻ: ăn sạch, ở sạch, chơi đồ chơi sạch. Trong đó, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, dưới vòi nước chảy là thói quen cần được thực hiện thường xuyên vì bàn tay là nơi trung gian phổ biến nhất đưa các loại vi khuẩn vào cơ thể. Đây là nội dung tuyên truyền chủ yếu mà các cơ quan chức năng đang phổ biến đến các hộ gia đình. Ngoài ra, những biểu hiện của bệnh cũng được hướng dẫn cụ thể đến các bà mẹ, giáo viên mầm non, những người làm việc trong các nhóm trẻ gia đình… để họ sớm phát hiện trẻ mắc bệnh và cách ly cũng như thực hiện những phương pháp khử trùng đúng cách ngay khi xảy ra trường hợp bị TCM. Bệnh TCM hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu loại virus gây bệnh. Do vậy, nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh cũng như cung cấp những kiến thức liên quan đến bệnh TCM vẫn là cách hiệu quả nhất để cắt đứt các nguồn lây truyền và giảm thiểu đến mức thấp nhất các ca mắc bệnh.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.