So với những thành phố lớn trên cả nước, ở thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông của Đà Nẵng có thể nói là khá tốt. Mặc dù vậy, dưới cái nhìn của các chuyên gia về quy hoạch giao thông, hệ thống giao thông hiện nay của Đà Nẵng chưa bảo đảm tính đón đầu cho tương lai và nếu không có những thay đổi ngay từ bây giờ thì trong khoảng 5-10 năm tới, tình trạng hạ tầng giao thông bị quá tải, kẹt xe, ùn tắc sẽ xuất hiện thường xuyên.
Dự báo đến năm 2015, thành phố Đà Nẵng sẽ có trên 884.000 mô-tô, xe gắn máy, là áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. |
Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông của thành phố là 9,27% (quy định tiêu chuẩn đô thị loại 1, quỹ đất dành cho giao thông phải chiếm từ 23-25% đất đô thị), trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân bao gồm xe đạp điện, xe gắn máy, mô-tô và ô-tô liên tục tăng nhanh. Theo dự báo từ nay đến năm 2015, mỗi năm phương tiện giao thông tăng trung bình 13,2% đối với ô-tô và 11% đối với mô-tô, xe gắn máy. Như vậy đến năm 2015, thành phố sẽ có gần 60.000 ô-tô và trên 884.000 mô-tô, xe gắn máy. Tình trạng này sẽ tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông.
Đó là chưa tính đến yếu tố “giao thông đối ngoại” cũng là tác nhân khiến cho hạ tầng giao thông càng thêm quá tải. Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng vừa hoàn thành và đưa vào khai thác với công suất 4 triệu lượt khách, dự kiến đến năm 2020 tăng lên 6 triệu lượt khách/năm và đến năm 2030 sẽ là 8 triệu lượt khách/năm. Bên cạnh đó, Cảng Tiên Sa hiện đã đạt 4 triệu tấn hàng/năm, khoảng 50.000 khách du lịch/năm, theo kế hoạch phát triển trong 5-10 năm đến, cả lượng hàng hóa lẫn hành khách sẽ tăng gấp 2 đến 2,5 lần hiện nay. Điều này cũng có nghĩa hạ tầng giao thông thành phố trong tương lai gần sẽ “gánh” thêm rất nhiều phương tiện lưu thông. Đó là chưa kể hệ thống đường sắt, đường bộ trong vài năm đến cũng phát triển, kéo theo đó là một lượng lớn người, phương tiện tập trung về thành phố.
Áp lực người và phương tiện tăng lên như vậy, trong khi đó, ngoài việc quỹ đất dành cho giao thông vốn đã ít lại chưa được sử dụng một cách khoa học cũng khiến cho việc kéo giãn mật độ lưu thông trên đường trong thời gian đến gặp nhiều thách thức. Đáng chú ý là giao thông tĩnh, cụ thể là thiếu chỗ đậu đỗ ô-tô trong khu vực nội thành. Hiện tại thành phố có gần 40.000 ô-tô, với tốc độ tăng như hiện nay có nghĩa cần khoảng 80-100ha diện tích bãi đỗ, trong khi đó, hiện con số này mới đạt 10%. Đó là chưa nói đến quỹ đất dành cho giao thông công cộng hiện nay gần như là con số không.
Để giải quyết bài toán giao thông trong tương lai thì hệ thống giao thông ngầm đang được thành phố tính toán để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, với việc triển khai các dự án giao thông ngầm, hiện trạng hạ tầng cơ sở giao thông hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là tình trạng các vỉa hè đều nhỏ, thậm chí tại các giao lộ, các nút giao thông quan trọng, vỉa hè không quá 5 mét, sẽ gây trở ngại không nhỏ cho việc xây dựng các đầu mối giao thông ngầm sau này. Đặc biệt trong khu vực trung tâm, rất thiếu những không gian trống, như công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng, vì thế việc tìm kiếm quỹ đất quy hoạch cho giao thông tĩnh là bài toán khá hóc búa. Nếu ngay bây giờ chúng ta không kịp “sửa sai” thì tương lai vấn đề giải tỏa đền bù để triển khai các hạng mục cho hệ thống giao thông ngầm sẽ rất tốn kém.
Hiện nay thành phố thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, đây là cơ hội để các cơ quan chức năng tham mưu với UBND thành phố có điều chỉnh phù hợp mang tính đón đầu sự phát triển giao thông trong tương lai. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến giải pháp làm sao nâng quỹ đất dành cho giao thông lên trên 20% được xem là vấn đề quan trọng nhất. Vì nếu không đủ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh và động, mọi kế hoạch phát triển chỉ có thể nằm trên giấy mà thôi.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN