.

Gặp mặt người lao động tại bãi rác Khánh Sơn

.

(ĐNĐT) - Ngày 1-9, tại UBND phường Hòa Khánh Nam, ông Phan Văn Tâm, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, gặp mặt 309 người lao động ở bãi rác Khánh Sơn để lắng nghe tâm tư; đồng thời ghi nhận những đổi thay trong cuộc sống người dân nơi đây sau cuộc đối thoại cách đây tròn 1 năm.

Chỉ có học vấn mới giải quyết được đói nghèo

Cuộc đối thoại lần thứ nhất giữa lãnh đạo Quận ủy Liên Chiểu với người lao động ở bãi rác Khánh Sơn diễn ra vào ngày 1-9-2011. Sau khi nắm bắt thực trạng, nguyện vọng trong đời sống của người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã có hỗ trợ trên nhiều mặt.

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Phan Văn Tâm tặng áo mưa cho bà con đang làm nghề nhặt rác ở Khánh Sơn
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Phan Văn Tâm tặng áo mưa cho bà con đang làm nghề nhặt rác ở Khánh Sơn

203 hộ với 309 người lao động nhặt rác đã được tặng phương tiện sinh kế, gồm: xe bò, xe máy, máy tiện, đồ nghề sửa xe, xe đạp; hỗ trợ vốn làm ăn, giới thiệu việc làm cho 21 người, 7 hộ được sửa chữa nhà, bố trí 11 lô chợ, xem xét đề xuất bố trí chung cư cho 1 hộ, thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội…

Với hộ có con em đang đi học, địa phương hỗ trợ dụng cụ học tập, máy vi tính. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, lãnh đạo quận đã vận động Công ty cổ phần Metro Đà Nẵng trao 309 xuất lương thực, nhu yếu phẩm và Công ty Daiwa Cantavil (Hàn Quốc) tài trợ mỗi người một bộ đồ vest. Trong tháng 7 vừa qua, 172 chị được Bệnh viện Phụ nữ khám tổng quát và điều trị miễn phí bệnh thông thường với tổng kinh phí 223 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tặng (tổ 15, Đà Sơn), đại diện cho hộ có cả hai vợ chồng nhặt rác, chia sẻ: “Tôi được tặng 1 xe máy và 1 xe bò. Chừ thì có thêm cái nghề… ai kêu chi làm nấy. Nói chung là không cực thân như nghề cũ”.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết: “Qua một năm diễn ra cuộc đối thoại với lãnh đạo quận, người dân đã dần nhận thức được nhặt rác như lâu nay là một nghề độc hại, cần tìm hướng chuyển đổi. Thời gian đầu được giới thiệu sang việc làm mới như giữ xe, bảo vệ, công nhân…bà con còn tỏ ra chưa quen với tác phong làm việc theo giờ giấc quy định, nhưng dần dần mọi người thích nghi tốt hơn và yên tâm kiếm sống”.

Dù chính quyền địa phương đã tìm nhiều cách giúp người lao động vươn lên, có công việc mới bớt ô nhiễm, nguy hại cho sức khỏe, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ Đà Sơn 4 cũng nhắn nhủ với bà con: “Được nhận lon gạo, ít vốn, chiếc xe chỉ là bước khởi đầu. Để đời sống chúng ta đi lên, nhưng không phải lên từ nghề nhặt rác, bà con hãy cố gắng đầu tư cho con cái ăn học đàng hoàng. Chỉ có việc học, tri thức mới giúp thế hệ sau thoát khỏi đói nghèo và không phải nhọc nhằn kiếm sống như cha mẹ chúng”.

2015 không còn lao động nhặt rác tại Khánh Sơn

Đó là chủ trương của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Tâm, quận Liên Chiểu sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu này sớm hơn kế hoạch đề ra. Để làm được điều này cần sự hợp tác từ hai phía. Lãnh đạo quận Liên Chiểu sẽ nỗ lực tìm giải pháp giúp người lao động chuyển đổi ngành nghề, cải thiện đời sống. Ai muốn chuyển sang buôn bán, ai vào nhà máy, ai có nhu cầu học nghề…sẽ được quận hỗ trợ tối đa để đối tượng sớm thực hiện nguyện vọng. Song song đó, người lao động cũng cần quyết tâm thoát cảnh cơ cực với nghề nhặt rác. Có như vậy, mục tiêu trên mới được hoàn thành một cách tốt đẹp.

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Phan Văn Tâm bày tỏ niềm cảm kích trước những gia đình dù cả hai vợ chồng đều nhặt rác nhưng vẫn cố gắng lo cho 3-4 đứa con học đại học. Đó là một nỗ lực phi thường, đáng ngợi khen. Theo ông Tâm, bằng mọi cách phải cho con cái học hành tử tế, bởi đó là cách thoát nghèo và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn.

Dịp này, ông giao cho UBND phường Hòa Khánh Nam hai dàn máy vi tính, do công ty FPT tài trợ, để tặng hai em có kết quả học tập tốt. Mùa mưa đang đến gần, ông cũng kêu gọi Tập đoàn Trung Thủy và Trường Đại học Thể dục-Thể thao Đà Nẵng tài trợ áo mưa để bà con có phương tiện bảo vệ sức khỏe trong lúc làm việc. “Đây không chỉ là món quà, mà còn là tấm lòng, sự dõi theo mỗi bước chân người lao động của chúng tôi”, ông Tâm nói.

Một vấn đề được bà con rất quan tâm tại buổi gặp mặt đó là liệu tất cả 203 hộ có được tặng miễn phí thẻ BHYT? Thay mặt lãnh đạo quận, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, giải đáp: Với mức giá 560 nghìn đồng/thẻ BHYT, để hỗ trợ chừng ấy hộ dân, trung bình mỗi năm ngân sách quận phải chi 150 triệu đồng. Như vậy là vượt quá khả năng của địa phương. Tuy nhiên, quận cũng sẽ giải quyết miễn phí BHYT cho một số trường hợp thuộc đối tượng gia đình chính sách. Đồng thời, quận đưa ra đề xuất nên chăng kéo giãn thời gian mua bảo hiểm để bà con dễ dàng tự mua được BHYT cho bản thân.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.