.

Gửi bạn trẻ

Bà Phan Châu Liên, con gái nhà yêu nước Phan Châu Trinh có kể một câu chuyện: Những ngày cuối đời, được tin Phan đau nặng, đồng bào các giới ở cả 3 miền thường đến thăm hỏi. Một hôm có 2 người Bắc đi xe sang trọng, bóng loáng tới thăm.

“Thưa cụ, chúng cháu nghe danh cụ, từ Bắc vào đây thăm cụ. Xin chúc cụ mau mạnh để hoạt động hộ cho con dân nhờ”.

Tức thì Phan nộ luôn “Tôi hộ cái chi. Các anh trẻ trung, to lớn mà không làm chi, lại chỉ trông ngóng ở một thằng già gần chết. Trông ngóng cái chi”. Phan la lớn. Hai người khách đỏ mặt tía tai chạy ra không kịp. Bà Châu Liên lật đật chạy theo xin lỗi họ.

Qua mẩu chuyện này, chúng ta thấy tính cách cứng cỏi, bộc trực, ngang bướng của Phan (như ông tự nhận xét). Hơn thế, chúng ta thấy trong Phan tư duy tre già măng mọc, lòng tin cậy, niềm hy vọng, sự giao phó của Phan cho thế hệ trẻ là rất sâu sắc, nổi trội.

Trước đó 4 năm, trong một lá thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc (con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bạn đồng khoa với Phan, thường tự nhận là đứa cháu hăng say - cuồng điệt - của Phan), Phan tự nhận xét “Bây giờ thân tôi tựa cá chậu chim lồng vả lại cây đã già thì gió dễ lay, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hồn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông” và Phan đã khuyên Nguyễn Ái Quốc “thu xếp mà về (nước) đem cái tài năng của mình khích động nhân tâm, hô hào đồng bào 3 kỳ đồng tâm hiệp lực mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công”.

Sau lá thư này, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã tới Liên Xô, rồi đến cuối năm 1924 về Quảng Châu, một trung tâm cách mạng Trung Quốc thời đó, nơi được xem là có điều kiện thuận lợi để tổ chức, chỉ đạo vận động cách mạng Việt Nam. Cùng thời gian đó, Phan về nước, nhưng rồi ông đau nặng và qua đời. Trước khi ra đi, ông đã thì thầm với người đồng chí, đồng hương thân thiết Huỳnh Thúc Kháng: “Độc lập dân tộc sở cậy Nguyễn Ái Quốc”.

Có thể nói, chuyển giao thế hệ luôn là một vấn đề hệ trọng của mọi cuộc cách mạng, mọi đất nước. Cách mạng là sự nghiệp lớn lao được thực hiện bởi sự kế tiếp biết bao thế hệ.

Cách mạng Việt Nam là cuộc trường chinh từ những người đứng lên đánh Pháp trận đầu ở Thành Điện Hải đến thế hệ cách mạng mùa thu, thế hệ Điện Biên Phủ, thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và cả những dũng sĩ đã ngã xuống ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, ở đảo Gạc-ma. Những cống hiến, hy sinh  to lớn của những thế hệ ấy đã làm nên kỳ tích đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối.

Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đang ở phía trước. Những nhức nhối, đau đáu về Hoàng Sa - Trường Sa, về độc lập chủ quyền, toàn vẹn và bền vững, những lạc hậu đắng cay, tủi hổ không thể chấp nhận trong một thế giới hội nhập.

Những thế hệ trước chân dép lốp, vai khoác ba lô con cóc, dù đã làm nên những điều thần kỳ và giờ đây cuộc sống của dân tộc đang đặt ra cho thế hệ trẻ lời kêu gọi đứng lên đáp lời sông núi. Làm sao cho nước ta thực sự giàu, mạnh và văn minh?

Các bạn trẻ, các bạn phải là những chủ thể năng động, chủ động tạo lập hướng đi, và phải tự mình làm nên những bước đột phá (không phải bằng những việc làm to tát, nổi trội mà chính từ những việc làm giản dị, bình thường như được lập trình cho cuộc đời).

Với thế hệ chúng tôi, một Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu còn là khát vọng, là mơ ước thì mong sao với các bạn, khát vọng ấy trở thành hiện thực, do các bạn làm ra và chính các bạn cùng với đất nước này thụ hưởng.

Sáu mươi năm một ngôi trường mang tên một chí sĩ yêu nước lẫy lừng. Xin trong dịp này nhớ lại lời phẫn nộ của cụ Phan mà tin vào chính các bạn hôm nay. Không tin vào điều ấy, không tin vào các bạn thì biết tin ai, biết sống thế nào đây?

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.