Khi nhiều trường ĐH chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, tổ chức Đoàn trong trường ĐH bộc lộ những hạn chế, khó khăn trong việc duy trì sinh hoạt, đoàn kết và tập hợp đoàn viên, sinh viên (ĐVSV).
Sinh hoạt cầm chừng
Dù có nhiều sân chơi nhưng tổ chức Đoàn chưa thu hút được đoàn viên, sinh viên. |
Nhiều Bí thư chi đoàn ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố cho biết một thực tế đáng buồn, đó là sinh hoạt Đoàn trong trường ĐH đang có dấu hiệu cầm chừng, nhất là từ khi các trường chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Nhiều chi đoàn không thể duy trì được lịch sinh hoạt hằng tháng mà phải 2-3 tháng mới tổ chức một lần. Khó khăn trong việc duy trì sinh hoạt khiến việc tập hợp, triển khai chương trình hoạt động của Đoàn đến ĐVSV càng hạn chế. Nguyễn Phi Long, từng là Bí thư Chi đoàn 34K2.2 khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng bộc bạch: “Lớp em có 82 sinh viên, nhưng huy động được tất cả các bạn tham gia vào một hoạt động nào đó của chi đoàn là điều không thể. Hoạt động nào vận động được khoảng 50-60% ĐVSV tham gia là thành công lắm rồi. Bây giờ, học theo tín chỉ, bạn bè trong lớp rất ít gặp nhau, nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ những gương mặt quen thuộc tham gia hoạt động cùng nhau”.
Trong khi các tổ chức Đoàn ở những khối khác vì thiếu kinh phí nên không tổ chức được hoạt động, Đoàn trong trường ĐH không thiếu kinh phí, tổ chức hoạt động thường xuyên nhưng vẫn không thu hút được ĐVSV. Anh Ngô Quang Mỹ, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Trường ĐH Kinh tế có hơn 110 chi đoàn với gần 8.000 đoàn viên nhưng hầu như không có không gian riêng để tổ chức sinh hoạt chi đoàn. Mỗi lần sinh hoạt phải ghép chung với sinh hoạt chủ nhiệm lớp nên rất bất tiện”.
Do hạn chế trong việc đoàn kết, tập hợp ĐVSV nên tổ chức Đoàn dường như không thể phát huy được vai trò trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng và đồng hành với ĐVSV trong học tập và đời sống sinh hoạt. Bên cạnh hạn chế về thời gian sinh hoạt, đoàn kết, tập hợp ĐVSV, hoạt động Đoàn trong môi trường ĐH còn gặp hàng loạt khó khăn như: đội ngũ cán bộ Đoàn chủ yếu kiêm nhiệm, còn lúng túng, bị động về phương thức hoạt động; yếu kỹ năng; thiếu chủ động trong việc triển khai các mặt công tác Đoàn, Hội sinh viên; công tác tập huấn, đào tạo không thực hiện thường xuyên vì áp lực giảng dạy, học tập...
Giải pháp nào?
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác Đoàn ở trường ĐH, Đoàn ĐH Đà Nẵng đã triển khai đến các Đoàn trường một số giải pháp như: chủ động định hướng chủ điểm sinh hoạt hằng tháng cho các chi đoàn, thực hiện việc cộng điểm thưởng và xét học bổng đối với cán bộ Đoàn là sinh viên... Thạc sĩ Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng cho biết: “Bên cạnh những giải pháp trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện một số hình thức tổ chức, quản lý mới như: áp dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển tải các thông tin, kế hoạch tổ chức hoạt động đến ĐVSV, đồng thời hoàn thiện mục tiêu xây dựng chứng chỉ sinh hoạt vì cộng đồng cho những sinh viên tích cực tham gia phong trào Đoàn, Hội bên cạnh bằng ĐH, xem đây là tiêu chí rèn luyện bắt buộc đối với sinh viên. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục phát huy, mở rộng hình thức sinh hoạt CLB, đội, nhóm nhằm tạo điều kiện cho ĐVSV tham gia sinh hoạt theo sở thích”.
Bên cạnh những giải pháp chung trên, một số Đoàn trường ĐH cũng đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn từ đơn vị mình, như giải pháp thành lập chi đoàn ngành của Trường ĐH Kinh tế. “Bây giờ các trường ĐH chuyển qua đào tạo theo học chế tín chỉ, khái niệm khóa, lớp, năm học không còn hiệu quả nữa. Việc áp dụng giải pháp sinh hoạt theo ngành sẽ giúp sinh viên có điều kiện giao lưu, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, với giải pháp này thì yêu cầu vai trò của Bí thư Liên chi đoàn rất lớn, vì một lúc phải quản lý rất nhiều ĐVSV”, anh Ngô Quang Mỹ, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế nói.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA