Cụ Phạm Đắc Tường (ảnh), hiện trú xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, quê ở khu Nại Hiên Tây (nay là phường Bình Hiên, quận Hải Châu), tham gia cách mạng từ những ngày đầu đánh Pháp. Trong dịp về thăm quê mới đây, cụ đã kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong thời kháng chiến.
Những năm tháng hào hùng
...Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương, rồi được chọn vào Đội Công an Xung phong thành phố Đà Nẵng. Sau 1 tháng huấn luyện tại huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi trở về hoạt động ở nội thành Đà Nẵng. Nhờ có năng khiếu giả tiếng con vật nên tôi thường được giao nhiệm vụ cảnh giới.
Một tổ diệt ác thường có 3 người, trang bị dao găm và lựu đạn, 2 người vào bên trong để diệt mục tiêu, một người đứng ngoài cảnh giới và sẵn sàng hỗ trợ đồng đội; trước đó phải tổ chức theo dõi quy luật hoạt động của tên ác ôn, rồi tính toán thời gian, phương án hành động, đường tiến, đường rút, điểm trú ẩn... hết sức tỉ mỉ. Các ám hiệu, các cách xử lý tình huống được bàn tính, trù liệu kỹ càng, chẳng hạn như khi đột nhập vào nhà tên ác ôn nếu tạo ra tiếng động thì lập tức giả tiếng mèo kêu để tên ác ôn cho rằng tiếng động ấy là do mèo bắt chuột gây nên...
Đội Công an Xung phong của chúng tôi đã đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, nhưng tổn thất cũng không ít, đau xót nhất là sự cố đâm nhầm ở đồn Xuân Hòa thuộc khu tây Đà Nẵng. Nguyên nhân do đêm tối, khi truy diệt tên ác ôn, anh em đã đâm nhầm vào một đồng đội.
Sau Hiệp định Geneva, tôi tiếp tục ở lại hoạt động tại Đà Nẵng. Năm 1966, trong một trận đánh Mỹ trên đường Trưng Nữ Vương, tôi và 2 đồng đội đã bị rơi vào tay quân thù. Chúng đánh đập, tra khảo hết sức dã man, nhưng không moi được ở chúng tôi một lời khai nào. Chúng giam chúng tôi mỗi người một nơi. Tôi bị giam ở nhà lao Kho đạn và đã vượt ngục, trốn vào Sài Gòn, hoạt động hợp pháp cho đến ngày giải phóng.
Điều kỳ diệu ở Đà Nẵng
Năm 1968, cụ Phan Ngọc Chỉnh, cán bộ Đặc khu ủy Quảng Đà bị địch bắt quân dịch. Cụ Tường lúc đó làm việc trong ngành hàng không dân dụng của địch và đã tìm cách đưa cụ Chỉnh lên một chiếc xe bồn chở xăng để trốn khỏi khu huấn luyện tân binh của địch. Cụ Chỉnh trở về quê, tiếp tục hoạt động cách mạng và từng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Công ty Kim khí miền Trung. Hiện nay, cụ Chỉnh đã về hưu, sống ở đường Nguyễn Phúc Nguyên (thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê). Khi gặp lại, 2 cụ đã ôm chầm lấy nhau trong niềm vui ngập tràn. Cụ Chỉnh chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên ơn anh Tường đã đưa tôi thoát khỏi hàng ngũ quân thù”.
Đây là lần thứ hai cụ Tường về thăm quê. Người cựu chiến binh (CCB) già hồ hởi nói: “Từ Kiên Giang về đây, đi qua tỉnh nào, thành phố nào, tôi cũng thấy người ăn xin bu bám xin tiền, chỉ khi đến Đà Nẵng thì không thấy có người ăn xin”. Cụ Tường đã đi tham quan nhiều nơi trên thành phố quê hương và rất phấn khởi khi thấy Đà Nẵng phát triển rất nhanh, công tác quy hoạch đô thị, an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa có nhiều đột phá, sáng tạo, và đặc biệt là có rất nhiều khu phố mới.
Bài và ảnh: MINH NGỌC