Theo tiến trình đô thị hóa, nông dân phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã chuyển sang làm nhiều mô hình mới sau khi không còn đất canh tác, trong đó nổi bật là nghề sản xuất hương và trồng mai cảnh.
Một cơ sở sản xuất hương ở Hòa An. |
Năng suất tăng hàng chục lần
Những năm qua, nghề sản xuất hương ở Hòa An phát triển mạnh. Toàn phường hiện có gần 30 cơ sở sản xuất hương và đều sản xuất bằng máy, đưa năng suất tăng lên hàng chục lần so với làm thủ công trước kia. Cơ sở Hương Phú Quý của ông Nguyễn Hoàng Hiệp (ở tổ 71) có gần 10 chiếc máy và có cả lò sấy hương tự động. “Với loại máy này, bình quân mỗi người sản xuất được 50kg hương/ngày và cây hương cũng đẹp hơn”, ông Hiệp cho biết. Cơ sở của ông có hàng chục người phơi hương và đóng gói.
Hội Nông dân phường Hòa An đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, giúp bà con nông dân phát triển nghề làm hương sau khi hết đất canh tác. Người có điều kiện thì mở cơ sở sản xuất, người làm công cũng có khoản thu nhập từ 100.000 đồng/ngày trở lên. Ngay trong phường cũng đã có cơ sở cung cấp hương liệu, làm cho hoạt động sản xuất hương ở Hòa An càng phát triển mạnh.
Đầu năm 2012, Hội Nông dân phường xây dựng Dự án Hỗ trợ nông dân phát triển nghề làm hương. Theo đó, có 10 hộ được vay vốn (30 triệu đồng/hộ) để đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động và giúp nhiều gia đình có việc làm thêm bằng hình thức nhận gia công nguyên liệu. Sản phẩm hương ở Hòa An rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, không chỉ có trên thị trường Đà Nẵng mà tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Hãm mai nở bằng nhà kính
Sau giải tỏa, nhiều nông dân Hòa An đã đầu tư phát triển nghề trồng mai cảnh tại các khu vườn không nằm trong diện quy hoạch. Ông Trần Ngọc Anh (ở tổ 50) có 2 vườn mai rộng, với tổng số hơn 800 cây lớn nhỏ, hằng ngày ông ở ngoài vườn, miệt mài chăm chút, tỉa tót từng chiếc lá. Ông Anh cho biết, 2 công đoạn khó trong nghề trồng mai là uốn cho cây mai có thế đẹp và hãm cho mai nở đúng dịp Tết.
Những người trồng mai ở Hòa An thường dùng dây nhôm quấn vào cành mai và uốn theo ý mình, sau vài tháng, cành mai sẽ ở nguyên vị trí cần uốn, còn dây nhôm được tháo ra. Một cách uốn khác là dùng lạt tre kéo cành mai cho cong đều ra xung quanh và buộc xuống những chiếc cọc cắm quanh chậu. Sau vài tháng, cành mai sẽ ở nguyên vị trí được buộc, lạt tre mục đi, còn những cây cọc sẽ được rút lên để sử dụng tiếp.
Trước kia, để hãm cho mai nở đúng Tết, người trồng mai thường lặt lá trước Tết từ 30-45 ngày tùy theo thời tiết nắng nóng hoặc rét lạnh. Nhưng phương pháp này mang nhiều yếu tố may rủi và thường số mai nở đúng ý định chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20%. Gần đây, nông dân Hòa An đã vận dụng kỹ thuật hãm mai bằng nhà kính đạt hiệu quả rất cao. Trong nhà kính có các thiết bị để giữ nhiệt độ từ 25-300C, độ ẩm từ 60% trở lên và ánh sáng vừa phải. Bất kỳ thời tiết thế nào, cây mai đưa vào nhà kính sau 14 ngày sẽ bắt đầu nở, rồi đem trở ra ngoài trời, 4 ngày sau sẽ nở rộ.
Trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012, hàng chục hộ nông dân Hòa An hãm mai bằng nhà kính đều đạt kết quả cao, với tỷ lệ mai nở đúng Tết gần 100%. “Nhờ phương pháp hãm mai tiên tiến, nhiều hội viên đã giàu lên nhanh”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa An chia sẻ.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM