Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp thăm dò đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện những nguy cơ mà trẻ có thể mắc trong thời gian mẹ mang thai hoặc sau khi sinh. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Sàng lọc trước sinh sẽ góp phần bảo đảm sức khỏe cho trẻ em sau khi ra đời. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo tổng hợp từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Đà Nẵng, năm 2011, các cơ sở y tế đã tiến hành sàng lọc sơ sinh 556 ca (đạt 3,9%, thấp hơn 11,1% so với kế hoạch giao), sàng lọc trước sinh 632 ca (đạt 4,45%, vượt 1,45% so với kế hoạch giao). Riêng 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sinh (SKSS) thành phố đã sàng lọc trước sinh bằng siêu âm thai nhi cho 5.218 ca. Quá trình sàng lọc tập trung vào việc đo độ mờ da gáy, xét nghiệm sàng lọc. Nhờ đó, trung tâm đã phát hiện, chẩn đoán, xác định 32 ca dị tật, thực hiện đình chỉ thai nghén 4 ca (dưới 18 tuần), chuyển Bệnh viện Phụ sản - Nhi 28 ca (trên 18 tuần). Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Dân số, kết quả đó vẫn chưa được như mong muốn.
Trước tiên, nhận thức của người dân chưa cao là rào cản lớn nhất để việc triển khai sàng lọc trước sinh và sơ sinh được “phủ sóng” trên toàn thành phố. Đối với việc sàng lọc trước sinh, nhiều thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm nên việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó, hoặc có trường hợp phát hiện ra dị tật thì thai phụ đã chuẩn bị sinh. Một trong những khó khăn nữa là kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu muốn tìm hiểu, muốn được tư vấn của đối tượng. Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh và lấy mẫu máu gót chân của một số cơ sở y tế tuyến quận, huyện còn yếu.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện chưa thật sự nhiệt tình và tạo điều kiện cho các bác sĩ có chuyên môn tham gia các lớp tập huấn siêu âm sàng lọc trước sinh tại tuyến trên. Các phương tiện trang thiết bị còn thiếu, khâu thu nhận và vận chuyển giấy thấm gửi đi xét nghiệm qua dịch vụ EMS còn nhiều khó khăn về bảo quản vận chuyển và thủ tục thanh toán... Hiện nay, công tác truyền thông vận động tại một số phường vẫn gặp nhiều khó khăn như: cán bộ tuyên truyền còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, công tác đào tạo còn quá ít. Vì vậy, thông tin đến người nhận thiếu tính thuyết phục. Phụ nữ mang thai ít đến trạm y tế phường để khám trong 3 tháng đầu, thường tháng thứ 4 trở lên mới đến trạm y tế để tiêm chủng nên việc được tư vấn về sàng lọc thai nhi trước sinh thường chậm trễ.
Làm sao để ít nhất 5% số bà mẹ mang thai được sàng lọc thai nhi trước khi sinh và 12% số trẻ sơ sinh được sàng lọc để phòng tránh các căn bệnh hiểm nghèo là công việc đòi hỏi sự nỗ lực chung của chính các bà mẹ và cơ sở y tế các cấp. Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ bác sĩ và nữ hộ sinh tại các bệnh viện. Riêng Trung tâm Chăm sóc SKSS thành phố đã tổ chức thành công 18 buổi nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai với hơn 600 lượt chị em tham gia.
Theo bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS thành phố Đà Nẵng, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất cũng như trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông giáo dục về việc thực hiện các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh; xây dựng các quy trình xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, theo dõi và điều trị hiệu quả... Khi đó, sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số của thành phố từ nay đến năm 2020.
MAI HOA