Ngày 19-9, Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 tháng (từ ngày 1-4 đến 31-8) triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi điều khiển phương tiện giao thông đi không đúng phần đường, làn đường. Đánh giá tại hội nghị cho thấy, qua 5 tháng thực hiện, chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố giảm đáng kể.
Sau 5 tháng phân làn đường, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao rõ rệt, tai nạn giảm đáng kể. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, kể từ ngày 1-4-2012, lực lượng CSGT từ thành phố đến quận, huyện phối hợp với các lực lượng Cảnh sát, Công an phường ra quân kiểm tra xử phạt các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường đã được phân công. Hằng ngày, có 3 ca công tác (kể cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật), sử dụng các thiết bị kỹ thuật như máy quay phim, máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường và các hành vi vi phạm khác. Qua 5 tháng ra quân, lực lượng chức năng đã lập biên bản hơn 17.000 trường hợp (trong đó hơn 1.700 phương tiện ô-tô; hơn 15.500 trường hợp xe máy) đi không đúng phần đường, làn đường; ra quyết định xử phạt hơn 16.000 trường hợp.
Đến nay, đa số người dân đã biểu hiện sự đồng tình, ủng hộ chủ trương của thành phố, đồng thời cho rằng việc phân làn đường là khoa học, mang tính đột phá, qua đó tạo tiền đề để kiện toàn tổ chức lại mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phù hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện cho các phương tiện đi lại thông thoáng, an toàn. TNGT giảm nhiều trên cả 3 tiêu chí. Theo đó, đã xảy ra 16 vụ TNGT, làm chết 10 người, bị thương 13 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 19 vụ, giảm 17 người chết và 11 người bị thương.
Tuy nhiên, qua triển khai chủ trương phân làn đường, tuyến đường, theo nhìn nhận của ngành chức năng, trong 18 tuyến đường phân làn thì tuyến đường Nguyễn Văn Linh còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, nơi đây tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, kèm thêm phương tiện ô-tô đậu đỗ vào giờ cao điểm, người điều khiển phương tiện giao thông không có lối đi nên phải lấn đường, gây nguy cơ TNGT rất cao. Bên cạnh đó, ở tuyến đường 2 tháng 9 có nhiều lối mở qua dải phân cách, đặc biệt lối mở qua dải phân cách trước Đài Tưởng niệm thành phố rất rộng, ban đêm thiếu điện chiếu sáng nhưng phương tiện tham gia giao thông đông và thường xảy ra TNGT nghiêm trọng. Vì vậy, Phòng CSGT cũng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường điện chiếu sáng cho đoạn đường này.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, có được những kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhất là lực lượng CSGT và Công an các địa phương. Tuy nhiên, theo báo cáo từ cơ quan chức năng, thời gian gần đây tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm làn đường có xu hướng tăng, nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ, vẫn còn tình trạng xảy ra TNGT chết người nên lực lượng chức năng cần phải tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, ngăn chặn trong thời gian đến.
“Mục tiêu quan trọng là phải giảm TNGT, nhất là số người chết và bị thương. Vì vậy, cần phải tạo thói quen chấp hành pháp luật cho nhân dân. Khi nào người dân tự ý thức đi đúng phần đường, làn đường là cần thiết như việc đội mũ bảo hiểm, khi ấy mới nói là thành công”, Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh. Giám đốc Công an thành phố cũng đề nghị các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, nội dung phải đổi mới, phù hợp với từng đối tượng, đồng thời lực lượng Công an phải tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm khắc tình trạng vi phạm giao thông...
NGỌC PHÚ