.

Tạo sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển - đảo

.

Trong thời gian gần đây, tình hình trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng trong tình hình mới, Đại tá Trịnh Ngọc Văn (ảnh), Phó Chính ủy, Trưởng Ban chỉ đạo tuyên truyền biển đảo và giáo dục quốc phòng-an ninh BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết:

Với chức năng nhiệm vụ của mình, BĐBP thành phố đã tổ chức lực lượng, phương tiện thường xuyên tuần tra kiểm soát, quản lý giữ vững chủ quyền biên giới, lãnh hải, ngăn chặn, xua đuổi và xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép trên các vùng biển Việt Nam. Tăng cường công tác nắm tình hình, giữ vững thông tin liên lạc với ngư dân trên biển, nhất là lực lượng tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển xa và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa để hướng dẫn ngư dân bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ bảo vệ ngư dân khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, thời gian qua BĐBP đã phối hợp với các ngành, lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền biển - đảo, phổ biến pháp luật về biên giới quốc gia, luật biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam trên địa bàn thành phố. Đầu năm nay, BĐBP, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu “Pháp luật về biên giới quốc gia” thu hút hàng trăm ngàn người trên địa bàn thành phố tham gia dự thi với chất lượng tốt, đạt giải ba toàn quốc. Từ tháng 6-2012 đến nay, BĐBP thành phố đã phối hợp cùng ngành Tư pháp, ngành GD-ĐT và các địa phương phổ biến Luật Biển Việt Nam, thông tin tình hình biển-đảo cho hơn 40 lớp tập huấn giáo viên và cán bộ sở, ngành, địa phương dự nghe.

* P.V: Theo đồng chí, công tác tuyên truyền biển - đảo hiện nay cần tập trung vào nội dung, yêu cầu và đối tượng nào?

- Đại tá Trịnh Ngọc Văn: Chúng ta nên quyết liệt, thường xuyên liên tục và sâu rộng cả trong nước và trên thế giới về tuyên truyền, đòi hỏi chủ quyền biển - đảo của mình. Tất nhiên là chúng ta phải trên cơ sở lịch sử, pháp lý đó là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982; tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, các hiệp định Việt Nam đã ký với các nước hữu quan cũng như thỏa thuận, ký kết giữa Việt Nam - Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ. Đặc biệt cần tập trung phổ biến Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013,  cũng như Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Trong công tác tuyên truyền phải nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước; đấu tranh phản bác các yêu sách, đòi hỏi chủ quyền phi lý, hành động phi pháp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông để xây dựng phát triển đất nước, xây dựng quan hệ láng giềng đoàn kết hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chúng ta phải cập nhật thông tin thường xuyên, chính xác tình hình biển đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới biển - đảo cho toàn dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới biển, tập trung là cán bộ quản lý Nhà nước, lực lượng bảo vệ chủ quyền và những người hoạt động trên biển. Chú trọng học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Tăng cường thông tin đối ngoại cho bạn bè quốc tế, kể cả giới trí thức, học giả và nhân dân Trung Quốc hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, cơ sở pháp lý, thực tiễn về chủ quyền biển - đảo Việt Nam và chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết tình hình biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan.

* P.V: Đồng chí cho biết, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để khẳng định và giữ vững chủ quyền biển - đảo trong tình hình mới?

- Đại tá Trịnh Ngọc Văn: Ở tầm vĩ mô Đảng, Nhà nước và quân đội đã có những định hướng và chủ trương thích hợp. Đối với thành phố Đà Nẵng chúng ta, theo tôi cần tiến hành tốt một số việc sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển - đảo, triển khai thi hành Luật Biển Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân thành phố.

Thứ hai, phải tổ chức tốt việc quản lý thực tế trên các vùng biển đảo như: Quản lý Nhà nước về chủ quyền, thăm dò khai thác tài nguyên, sản xuất đánh bắt hải sản, quản lý bảo vệ môi trường kết hợp bảo vệ chủ quyền...

Thứ ba, tiếp tục thu thập tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, nghiên cứu phổ biến các công trình khoa học, ví dụ như Kỷ yếu Hoàng Sa để đấu tranh với những đòi hỏi chủ quyền phi lý của các nước, bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Thứ tư, tổ chức phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, động viên toàn dân thành phố với những việc làm thiết thực, cụ thể  hướng về biển - đảo và huyện đảo Hoàng Sa; có các chính sách, hình thức phù hợp hỗ trợ cho cán bộ, nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển - đảo Tổ quốc.

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

HÀ THÔNG thực hiện

;
.
.
.
.
.