“3 năm trước, khi chúng tôi tiếp cận với các em vị thành niên, hầu hết những đối tượng này đều e dè, thẹn thùng với những chuyện về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD). Còn bây giờ, các em tự tìm đến chúng tôi để chia sẻ tâm tư và học cách phòng vệ trước những cám dỗ của cuộc sống”, chị Phan Huỳnh Ngọc Liên, cán bộ chuyên trách dân số, Chủ nhiệm CLB SKSS vị thành niên và thanh niên phường Thuận Phước (quận Hải Châu) tâm sự.
Một buổi sinh hoạt của các thành viên CLB SKSS vị thành niên và thanh niên phường Thuận Phước. |
Khi trẻ muốn làm người lớn
Chị Phan Huỳnh Ngọc Liên tiết lộ một sự thật đáng buồn đang diễn ra là tình trạng trẻ vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục rất sớm. Thậm chí, có học sinh chỉ mới lớp 10 (khoảng 15 tuổi) đã quan hệ tình dục nhiều lần nhưng vẫn chưa biết cách tự bảo vệ mình trước những nguy cơ như mang thai ngoài ý muốn, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Đáng lo ngại là trong khi các bậc phụ huynh đang tất bật với chuyện mưu sinh thì con em họ lại vướng vào những chuyện mà đáng lẽ các em chưa đến lúc bước chân vào. Và vì thiếu hiểu biết, thiếu người hướng dẫn nên các em không biết cách giữ gìn khi quan hệ tình dục cũng như không biết làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ bệnh tật do quan hệ sớm.
Khi những thành viên CLB SKSS vị thành niên và thanh niên phường Thuận Phước tiếp cận với phụ huynh các em, nhiều người đã phản ứng tiêu cực và cho rằng, việc tuyên truyền về SKTD là “vẽ đường cho hươu chạy” và họ thậm chí không cho phép con em mình sinh hoạt CLB. Trong khi đó, những em tham gia các buổi tư vấn do CLB tổ chức lại e ngại, xấu hổ, không dám hỏi, không dám nói ra những điều mình chưa hiểu, chưa biết về chuyện SKSS, SKTD. Nhiều em chỉ mới học hết cấp hai, hoặc vừa qua cấp 3 đã biết yêu, biết rung động trước người khác giới. Không ít em vượt quá giới hạn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, chị Liên cho rằng: “Thà chúng ta tư vấn, hướng dẫn, vẽ đúng đường cho “hươu” chạy, còn hơn là để các em tự mày mò, tự tìm hiểu, nắm bắt không đến nơi đến chốn và rồi thiệt thân”.
Sẵn sàng đồng hành
Thành lập vào năm 2010 với chỉ 35 thành viên, đến nay CLB SKSS vị thành niên và thanh niên phường Thuận Phước đã có hơn 100 người. Ban Chủ nhiệm CLB gồm một cán bộ dân số, một Phó Bí thư Đoàn phường và một giáo viên trường cấp hai. “Chúng tôi huy động lực lượng của Đoàn Thanh niên và giáo viên tham gia vì có những lúc giáo viên sẽ hỗ trợ trong việc tập hợp học sinh dự các buổi tư vấn về SKSS do CLB tổ chức. Về phía Đoàn Thanh niên sẽ vận động đoàn viên tích cực trở thành những tình nguyện viên của CLB, giúp ích cho việc tuyên truyền về các nội dung liên quan đến vấn đề SKSS, SKTD”, chị Liên nói.
Tuy nhiên, những vấn đề tế nhị được đề cập đến tại các buổi tư vấn không dễ dàng được các em học sinh, vị thành niên tiếp nhận. Vì vậy, thay đổi linh hoạt các phương thức tư vấn là cách mà CLB lựa chọn nhằm tạo không khí thật sự cởi mở, gần gũi để các em nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Hồ Xuân Hưng sau 3 năm tham gia CLB nhận thấy rằng, những hình thức sinh hoạt như chơi trò chơi, hái hoa dân chủ, đóng tiểu phẩm... rất hiệu quả trong việc tuyên truyền về tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn, cách phòng tránh thai, sử dụng bao cao su, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng... “Những hình thức sinh hoạt sống động sẽ tạo sự thích thú cho các em khi tham gia các buổi tư vấn. Vấn đề cần truyền đạt cũng dễ đi sâu vào tâm thức các em hơn. Bản thân mình cũng tự học hỏi được nhiều điều về SKSS, SKTD”, Hưng chia sẻ.
Đoàn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Đoàn phường Thuận Phước, Phó Chủ nhiệm CLB lại cho rằng, không dễ để tiếp cận và tư vấn về những chuyện mà các em cho là “bí mật của người lớn”. Và muốn các em cởi mở hơn, Tâm cho biết, chỉ có cách lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt Đoàn, kết hợp với việc kiên trì giải thích, khuyên nhủ. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, các em không còn ngại ngùng khi nghe những câu chuyện thầm kín về cách phòng tránh thai, sử dụng bao cao su cũng như những kiến thức liên quan đến tâm sinh lý tuổi dậy thì...
Hiện nay, khi hoạt động dần ổn định, CLB sinh hoạt thường kỳ mỗi quý một lần. Tuy vậy, khi cần, các em vị thành niên vẫn tìm đến CLB, nhất là gặp gỡ những thành viên Ban chủ nhiệm để chia sẻ những khúc mắc liên quan đến SKSS, SKTD. Về hiệu quả của các mô hình hoạt động do CLB tổ chức, chị Liên khẳng định: “Những chương trình tư vấn của CLB đã thay đổi nhận thức của học sinh, trẻ vị thành niên, thậm chí là những sinh viên đang ở trọ trong các khu dân cư ở phường Thuận Phước. Các bậc phụ huynh cũng có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động của CLB. Và đặc biệt, con số nạo phá thai ở nhóm đối tượng này giảm đáng kể”. Hiện tại, mặc dù còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí hoạt động nhưng những thành viên CLB vẫn kiên trì, nhiệt tình với những chương trình tư vấn trong cộng đồng. “Sự nhiệt tình của các thành viên CLB chính là động lực để chúng tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình, giúp cho các em hiểu hơn về cách bảo vệ sức khỏe và biết lựa chọn lối sống lành mạnh, an toàn”, chị Liên nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HÀ AN