.

Vụ sập công trình cầu cảng dầu khí Đà Nẵng: “Có tính đến ảnh hưởng dư chấn động đất ở Quảng Nam”

.

(ĐNĐT) – “Nguyên nhân sự cố, theo đánh giá sơ bộ, thời gian qua trời mưa kéo dài từ ngày 4 đến ngày 9-9 dẫn đến nước ngấm vào trong cát gây sụp đổ. Có tính đến ảnh hưởng của dư chấn động đất ở Quảng Nam xảy ra thời gian trước đó”.

.......................
Số cọc tại vị trí tường kè phân đoạn 1 và 2 bị ngả nghiêng sau khi xảy ra sự cố.

Đó là nội dung trong bản báo cáo số 0931/KMB-DAĐT ngày 14-9 về sự cố và công tác xử lý sự cố công trình Tổng kho sản phẩm dầu khí Đà Nẵng” của Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (đơn vị chủ đầu tư) gửi các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Quản lý chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng) cho hay, đây mới chỉ là nhận định ban đầu của chủ đầu tư gửi tới cơ quan chức năng để báo cáo nhanh về sự cố. Nguyên nhân, cần phải tiến hành kiểm tra, giám định và tìm hiểu để xác định chính xác.

Theo nội dung bản báo cáo, sự cố sập cầu cảng công trình Tổng kho cầu cảng dầu khí Đà Nẵng xảy ra đêm ngày 8-9. Lúc đó bảo vệ công trường nghe tiếng nổ tách bê-tông tại vị trí phân đoạn 1 và 2 dưới cầu đệm.

Sáng 9-9, khi cán bộ kỹ thuật thi công kiểm tra trực tiếp, phát hiện khối cát phía dưới từ bờ kè vào công trình khoảng 60m bị sụt lún và trượt ra ngoài xa bờ. Độ chênh cao của hai khối trượt khoảng 50cm. Cọc tại vị trí tường kè phân đoạn 1 và 2 bị chuyển hướng ra ngoài xa bờ.

Sàn bê-tông của hai phân đoạn này cũng bị chuyển ra xa bờ khoảng 60cm. Khe co giãn giữa sàn cầu đệm phân đoạn 1 và 2 chuyển lệch vị trí khoảng 10-20cm.

Kết cấu cọc ở vị trí tiếp nối với dầm ở cầu đệm phân đoạn 1, 2 và 3 có hiện tượng bị nứt cọc, cách mép dầm khoảng 20-50cm, có khe nứt rộng 1,5-3m. Cọc tại vị trí cầu chính phân đoạn 1 bị chuyển ra xa bờ khoảng 60-80cm.

Đến chiều cùng ngày, cầu đệm phân đoạn 1 bị đổ ngã; sáng ngày 10-9, cầu đệm phân đoạn 2 cũng bị ngã đổ hoàn toàn.

Mặc dù không có thiệt hại về người, song sự cố ước tính gây thiệt hại vật chất khoảng 32 tỷ đồng.

Về công tác xử lý, báo cáo cho biết, sau sự cố, chủ đầu tư đã chỉ đạo tạm dừng thi công để tiến hành lắp hàng rào cảnh báo cả 4 phía và cử người trực 24/24 giờ tại khu vực xung quanh công trình.

Đồng thời, chủ đầu tư cũng yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế hàng hải (CMB) lập phương án giảm tải để tránh tác động tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục lên phương án, biện pháp tháo dỡ, thu dọn mặt bằng của sự cố trên công trình;  khảo sát chi tiết và có đánh giá kết cấu còn lại; thiết kế lập dự toán cho việc thi công tiếp theo của công trình.

Được biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Lê Tùng Lâm đã có công văn số 3644/SXD-QLCL ngày 13-9 gửi Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc yêu cầu báo cáo ngay sự cố tại công trường và tiến hành lập hồ sơ theo quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng yêu cầu chủ đầu tư tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố, theo dõi, xác định nguyên nhân sự cố công trình để có biện pháp khắc phục cụ thể; phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành triển khai thực hiện, gửi hồ sơ báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 27-9, trong đó báo cáo nhanh sự cố trước 15-9.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.