Để kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ năm 2012, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tăng cường các biện pháp, bổ sung các phương án phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với đặc điểm, tình hình và lực lượng, phương tiện hiện có, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân.
Luyện tập làm dây phòng chống bão ở Vùng 3 Hải quân. |
Vùng 3 Hải quân phụ trách, quản lý và phối hợp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) với 7 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, có chiều dài bờ biển hơn 850km, với vùng biển rộng khoảng 305.000km2, là khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ với cường độ cao, thời gian kéo dài, sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những thiệt hại ấy sẽ lớn hơn rất nhiều nếu các cấp, các ngành không chủ động các biện pháp phòng chống, khắc phục trước khi đến mùa bão lũ. Từ kinh nghiệm thực tiễn cũng như phát huy những kết quả đã đạt được, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã chủ động điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và lực lượng, phương tiện hiện có, làm tốt công tác chuẩn bị về người và phương tiện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Với phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong công tác PCGNTT-TKCN là: “Phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”; “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Vùng 3 đã xây dựng và điều chỉnh phương án sẵn sàng cho cả hướng bờ, hướng biển, trước và sau bão lũ. Hiện nay Vùng thường xuyên có 2 tàu trực tại bến, 2 tàu trực tuần tra trên biển, khi có mưa bão sẽ điều động 2 tàu vận tải làm nhiệm vụ thông báo bão, áp thấp nhiệt đới, các tàu chống lật, tàu kéo, tàu vận tải, tàu phóng lôi... với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, dầu, mỡ cung cấp cho ngư dân, sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Đối với lực lượng, phương tiện giúp đỡ, phòng chống và ứng cứu nhân dân trên bờ gồm 7 đội công tác, mỗi đội gồm 40 - 50 người, được trang bị 1 xuồng cao tốc ST 650, 2 xuồng Composite, xuồng cao su, 2 xe U-oát, 2 xe tải, 2 xe cẩu, xe nâng, hàng ngàn bao cát, cọc tre, phao áo cứu sinh... và 1 tổ cứu thương với đầy đủ phương tiện, cơ số thuốc sẵn sàng đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam trước, trong và sau bão. Các lực lượng còn lại của Vùng tập trung phòng chống bão tại đơn vị và sẵn sàng lên đường đến các tỉnh miền Trung ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ. Đại tá Ngô Sỹ Quyết, thành viên Hội đồng Phòng chống lụt bão Quân chủng Hải quân, Tư lệnh vùng khẳng định: “Công tác PCGNTT, TKCN, giúp đỡ nhân dân trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh trái tim của người lính. Những năm qua cán bộ, chiến sĩ trong vùng không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng vượt qua sóng gió, hiểm nguy, kịp thời có mặt trên biển, tìm kiếm cứu được hàng trăm tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển và giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phòng chống, khắc phục hậu quả sau mỗi đợt bão lũ. Điển hình như tháng 2 năm 2012, tàu của Vùng đã cứu nạn tàu Hải Anh 27 của Quảng Bình cùng 8 ngư dân gặp nạn tại Đông Bắc cửa biển Thuận An, lai kéo về cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế). Trong tháng 6 vừa qua đã cứu nạn, tiếp nhận và bàn giao 1 tàu cá cùng 8 ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) gặp nạn cách Đà Nẵng 120 hải lý trong điều kiện sóng to, gió lớn, lai kéo về cảng an toàn... Những hành động vì nhân dân quên mình của cán bộ, chiến sĩ trong Vùng đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu đậm trong lòng ngư dân trên biển cũng như nhân dân địa phương và cả nước”.
Ngoài công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, Vùng 3 Hải quân còn đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện, luyện tập thuần thục các phương án tại bến, hiệp đồng với Không quân, Bộ đội Biên phòng diễn tập trên biển, tổ chức diễn tập, trao đổi kinh nghiệm công tác phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn với Hải quân nước ngoài trên vùng biển Đà Nẵng. Thông qua các hoạt động, khả năng cơ động, ứng phó của bộ đội và các lực lượng thêm thuần thục, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
DUY KHANH