Trước những diễn biến phức tạp của tình hình ô-tô chở keo lá tràm quá khổ, quá tải chạy từ Quảng Nam về cảng Tiên Sa gây mất an toàn giao thông, Thường trực HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng đã có các công văn chỉ đạo lực lượng CSGT vào cuộc. Đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình đã giảm đáng kể.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý xe chở keo lá tràm quá khổ, quá tải. Ảnh: BÙI NGỌC |
Những ngày qua, quan sát tại một số tuyến đường trọng điểm dẫn về cảng Tiên Sa như các tuyến đường Lê Văn Hiến, Ngũ Hành Sơn, Ngô Quyền, Hoàng Sa, Trường Sa, tình trạng xe chở keo lá tràm quá khổ, quá tải hoạt động ít hơn trước rất nhiều. Có lúc xe không hoạt động, nếu có thì chở ít và chạy chậm hơn. Trung tá Lê Văn Lực, Đội trưởng Đội tuần tra - dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng xác nhận, trước đây mỗi ngày có hàng trăm xe chở keo lá tràm chạy từ đường ĐT601 qua các tuyến đường nói trên để về cảng Tiên Sa với tốc độ nhanh, xe cồng kềnh, quá tải khiến người dân vô cùng lo lắng. Có nhiều trường hợp xe chạy từ các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang về, đi qua cầu Thuận Phước rất nguy hiểm. Trước những bức xúc đó, thời gian gần đây, đội đã tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, chốt chặn, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm. Trong vòng gần một tháng đã xử lý hơn 50 phương tiện vi phạm, tạm giữ hơn 20 phương tiện, chưa kể Công an các địa phương cũng ra quân chấn chỉnh tình trạng này.
Tuy vậy, nhiều lái xe đối phó bằng cách lén lút chuyển sang hoạt động từ 4 giờ sáng. “Đây là những phương tiện không có giấy tờ, không cần kiểm tra cũng biết họ vi phạm”, Trung tá Lực chia sẻ. Lý giải vấn đề này, Trung tá Lê Văn Lực cho rằng, đa số các phương tiện chở keo lá tràm từ Quảng Nam về cảng Tiên Sa đều bị các trạm CSGT Quảng Nam xử lý, giữ giấy tờ phương tiện. Tuy nhiên sau đó, những người này vẫn chạy về cảng. Một trong những cái khó mà lực lượng chức năng phải đối mặt là những lái xe này đều là những người nghèo và rất khéo léo đánh động vào lòng trắc ẩn của người khác. “Họ đi vài ba ngày mới có một chuyến xe chở keo lá tràm về nhập tại cảng. Vì vậy, khi bị Công an các địa phương bắt giữ, họ không có tiền để nộp phạt. Bị tạm giữ phương tiện thì họ xin, kể lể hoàn cảnh khiến ai cũng phải chạnh lòng”, Trung tá Lực tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường lực lượng, các phương tiện kỹ thuật tổ chức ghi hình, nhất là ra quân vào ban đêm để xử lý nghiêm khắc, không khoan nhượng nhằm thiết lập kỷ cương an toàn giao thông, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc do các phương tiện này gây ra.
L. KHÁNH