Sáng 22-10, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm đánh giá tình hình triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN).
Các tham luận đánh giá hoạt động phổ biến Luật TNBTCNN đã giúp cán bộ, công chức nhận thức được vai trò của luật và trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu Nhà nước phải bồi thường. Qua đó giúp cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ theo tinh thần đúng pháp luật, tránh để phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đến 30-9-2012 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 165 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 122/165 vụ việc với tổng số tiền bồi thường gần 16 tỷ đồng. Hiện có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường. Đánh giá bước đầu cho thấy không phải không có vụ việc mà do người bị thiệt hại chưa biết đến quyền yêu cầu được Nhà nước bồi thường hoặc biết nhưng còn phải chờ thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Buổi tọa đàm cũng nêu lên những bất cập trong việc thực hiện Luật TNBTCNN. Đó là quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ. Thực tiễn cho thấy người bị thiệt hại gặp nhiều khó khăn do quy trình xác định hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bao gồm nhiều thủ tục: Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Thời hiệu yêu cầu bồi thường của Luật TNBTCNN chưa phù hợp với pháp luật dân sự gây khó cho người bị thiệt hại. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn lúng túng trong việc giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Các ý kiến cùng kiến nghị cần hoàn thiện Luật TNBTCNN và tiếp tục tuyên truyền phổ biến luật này đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
S.T