.

An sinh vùng giải tỏa

.

Sau quy hoạch, giải tỏa, bên cạnh những lợi ích đạt được như tạo nên diện mạo đô thị mới với kết cấu hạ tầng khá đồng bộ và hiện đại thì người dân lại gặp phải khó khăn tìm kiếm việc làm, gây bất ổn xã hội. Là một địa phương có nhiều dự án quy hoạch và giải tỏa, việc giải quyết việc làm cho người lao động và an sinh xã hội đang trở thành bài toán bức bách đối với quận Cẩm Lệ hiện nay. 

Nhiều hộ nông dân quận Cẩm Lệ đã tìm được việc làm ổn định sau khi áp dụng các mô hình trồng nấm mới. (Ảnh do Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cung cấp)
Nhiều hộ nông dân quận Cẩm Lệ đã tìm được việc làm ổn định sau khi áp dụng các mô hình trồng nấm mới. (Ảnh do Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cung cấp)

Đa dạng hóa các ngành nghề

Ông Trần Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết: “Để giải quyết việc làm cho vùng giải tỏa, nhất là phường Hòa Xuân, ngay từ đầu quận đã có đề án phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khảo sát độ tuổi lao động từ 16-35 tuổi và từ 35-60 tuổi. Từ đó biết được số lao động bị thu hồi đất nông nghiệp để tập huấn, tạo việc làm cho họ, đặc biệt là lao động nữ”.

Với việc phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người dân vùng giải tỏa, nhiều hội, đoàn thể đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho bà con. Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho biết: “Hội đã phối hợp với Trung tâm khuyến ngư-nông-lâm thành phố và Hội Nông dân quận mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa ly, phong lan, nấm cho 50 hội viên; kết hợp với Trung tâm đào tạo nghề mở 3 lớp nấu ăn cho 95 lao động nữ. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận cũng đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 846 lao động nữ vào các nhà máy tại khu công nghiệp và đào tạo nghề cho 415 học viên nữ. Bên cạnh đó, thành lập Tổ làm hương tại Chi hội 11, làm nấm tại Chi hội 1A ở Hòa An, Câu lạc bộ “giới thiệu việc làm” ở Hòa Thọ Tây thu hút nhiều lao động tham gia với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Hơn 100 lao động nữ cũng được giới thiệu việc và 79 lao động nữ được tư vấn học nghề sau khi tham gia “phiên giao dịch tư vấn việc làm và tuyển sinh học nghề” do UBND quận tổ chức.

Chị Ngô Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cũng cho biết: “Song song với việc mở các lớp tập huấn, dạy nghề trồng nấm, hoa, cây cảnh, nấu ăn, đan lưới... hội đã giới thiệu hội viên vào làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, thành lập hợp tác xã nuôi trồng nấm ăn Song Phước ở phường Hòa Phát và hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các hộ nông dân nghèo với tổng trị giá 10 triệu đồng. Sau khi ra đời và hoạt động có hiệu quả, Hợp tác xã Song Phước đã sản xuất nấm tại chỗ và đóng bịch cung cấp nguồn giống cho các hộ nông dân không có diện tích đất sản xuất đem về nhà trồng. Không ít hộ mất đất sản xuất vẫn tiếp tục bám nghề bằng cách đi thuê đất ở các xã của huyện Hòa Vang để trồng nấm bào ngư, nấm rơm... Đặc biệt, ở Hòa Xuân, nhiều hộ đã nhanh chóng chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ, vật liệu xây dựng, đóng tủ mộc dân dụng... Điều đáng mừng là ngay khi còn làm nông nghiệp, nhiều nông dân đã tranh thủ đi làm thêm nghề phụ thợ nề vào thời gian rỗi nên sau khi giải tỏa họ nhanh chóng chuyển đổi nghề để mưu sinh. Hội Nông dân quận đã thành lập câu lạc bộ sinh vật cảnh với sự tham gia của nhiều hội viên là nông dân trên 40 tuổi. Hiện Hội Nông dân khuyến khích các hội viên tham gia các mô hình nuôi trồng mới như nuôi dế ở Hòa Thọ Đông, nuôi chim trĩ và nhím ở Hòa Thọ Tây, trồng hoa lan cắt cành ở Hòa Phát...

Thanh niên chưa ý thức tìm việc làm

Mặc dù trong năm qua UBND quận đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức nhiều hội chợ việc làm tại phường Hòa Xuân và đào tạo nghề cho con em để họ có cơ hội tìm việc làm ở các khu công nghiệp nhưng nhiều thanh niên địa phương vẫn chưa thiết tha với các ngành nghề đưa ra. Chị Ngô Thị Thùy Trang trăn trở: “Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp và đưa ra các danh mục nghề được dạy miễn phí để tạo đầu ra cho nguồn lao động nhưng phần lớn những người lao động địa phương không có nhu cầu học và chỉ thích đi làm thợ nề, thợ mộc vì họ cho rằng những nghề này kiếm tiền nhanh hơn...”.

Ông Trần Văn Phi cũng thừa nhận: “Qua điều tra chất lượng lao động đối với trên 800 lao động thì độ tuổi từ 16-35 chiếm ¼. Trên cơ sở đó, quận đã lập phiếu khảo sát từng người để xem họ có nhu cầu gì? Tuy nhiên, hầu hết không có nhu cầu đào tạo lâu dài. Về mặt tâm lý, họ muốn được giới thiệu vào làm việc ở những nơi có thu nhập cao. Qua 2 hội chợ việc làm tại Hòa Xuân, chỉ có khoảng 180 lao động chịu đi làm việc, trong khi đó lao động phổ thông cần cho các nhà máy ở Khu Công nghiệp Hòa Cầm lên tới 5.000 người. Tại các hội chợ việc làm chủ yếu là thanh niên các tỉnh đổ về tìm việc, ngay cả dịch vụ phục vụ ở các nhà hàng thì thanh niên ngoại thành vẫn là chính. Lý do mà người dân không muốn lao động trong khu công nghiệp là do thói quen thích lao động tự do, ngại giờ giấc”.

Hiện quận cũng đã phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đức Minh đào tạo số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không thi đỗ vào trường trung học phổ thông công lập. Sau 3 năm học tại đây, các học sinh này sẽ hoàn thành tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp nghề để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định sau khi ra trường. Bên cạnh đó, quận tiếp tục chăm lo, tạo điều kiện cho những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, có trẻ em khuyết tật học nghề, buôn bán nhỏ; đồng thời triển khai thí điểm dự án chăm sóc vị thành niên khuyết tật từ 16-25 tuổi tại phường Hòa An bằng việc hỗ trợ nâng cao thể trạng, cung cấp học bổng... Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời. Về lâu dài, thành phố cần điều tra xã hội học về tình hình lao động hiện nay để có hướng giải quyết thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu gia đình và xã hội.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.