.

Bão số 7 cách Quảng Ngãi-Phú Yên 130km, mưa rất to ở miền Trung

.

(ĐNĐT) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 21 m/s (cấp 9), Quy Nhơn (Bình Định) có gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 14m/s (cấp 7); ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Dự báo hướng đi của bão số 7 (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)
Dự báo hướng đi của bão số 7 (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên khoảng 130 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 7-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Trong 12 đến 24h tiếp theo, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, cấp 8, giật cấp 9; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và không khí lạnh kết hợp dải hội tụ nhiệt đới, từ chiều tối nay (6-10) ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.

Từ tối nay (6-10), mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh ở Nam Tây Nguyên lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định cử đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão.

Chủ trì cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 7 ngày 5-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ những yếu tố nguy hiểm của cơn bão kèm mưa lớn và đường đi phức tạp.

Ban Chỉ đạo cần xác định vùng nguy hiểm trên biển từ Huế đến Khánh Hoà. Các tỉnh căn cứ vào diễn biến mới của bão để quyết định phương án ứng phó phù hợp, cấm biển và kiên quyết yêu cầu các phương tiện trong vùng nguy hiểm di chuyển tránh, trú bão.

Các địa phương tiếp tục tổ chức, rà soát công tác sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, tuỳ vào tình hình cụ thể, quyết định thời điểm di dời dân cư đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình trạng mưa lớn gây úng ngập, lũ quét, lở đất và gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, các hồ chứa. Các nhà máy thuỷ điện, các khu vực có địa hình dốc như Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… cần tập trung vào các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Phó Thủ tướng cử một Đoàn công tác vào Bình Định lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão. Riêng tại Thuỷ điện Sông Tranh 2, một đoàn công tác khác làm nhiệm vụ trực tại hiện trường để ứng phó, đánh giá về tình trạng công trình trước các hiện tượng thiên nhiên, bão lũ.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đến ngày 5-10, đã thông báo và hướng dẫn cho: 50.256 tàu/251.913 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Ttrong đó, hiện còn 6 tàu/87 người tỉnh Quảng Ngãi tránh trú ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ đi về trong ngày từ Quảng Trị đến Phú Yên 12.864 tàu/ 65.866 người; neo đâu, hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa và các khu vực khác: 37.386 tàu/185.960 người.

Các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường, riêng hồ Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 100m3/s. Khu vực Tây Nguyên (lưu vực các sông Sê San, Sêrêpốk) và khu vực Đông Nam Bộ (thuộc lưu vực sông Đồng Nai), nhiều hồ chứa đã đầy và đang xả để đảm bảo quy trình như: Pleikrong, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4, Đa Nhim, Đăk Tih, Đa Dâng 2 (tràn tự do), Sê San 4A (tràn tự do), Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srol Phu Miêng.

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.