(ĐNĐT) - Nhu cầu đất san lấp mặt bằng các công trình tăng cao, khiến đất đồi ở Đà Nẵng trở thành “miếng bánh ngon” cho các doanh nghiệp khai thác. Trong khi đó, những người dân sống bên ven sườn đồi, núi luôn phải nơm nớp lo sợ khi mùa mưa bão cận kề.
Chỉ cần đi dọc tuyến đường ĐT 602 thuộc địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ai cũng dễ nhận thấy những quả đồi cao chót vót ở đây đều bị khai thác nham nhở, nguy cơ xói mòn, sạt lở xuống khu vực xung quanh bất cứ lúc nào. Tiếp tục đi sâu vào sát vách núi, càng thấy dễ sợ hơn khi nhiều quả đồi bị các đơn vị khai thác “ngoạm” sâu vào cả trụ điện được dựng trên đồi.
Người dân ở Tổ 6, thôn An Hải Đông, xã Hòa Sơn cho biết, tình trạng khai thác đất đồi đã làm cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn và luôn bất an khi mùa mưa đến.
“Nhiều vết núi nứt ở đây đang mỗi ngày một nở rộng ra. Hễ cứ mưa lớn là dân phải chuẩn bị sơ tán. Nhưng sợ nhất là mưa mấy ngày xong, sau đó trời trở nắng khoảng một ngày, làm cho núi dễ bị sạt lở nhất. Lo sợ nhất là các trụ điện được dựng trên núi đổ xập xuống, đe doạn đến tính mạng và tài sản của người dân”, một người lo âu.
Những hình ảnh mà phóng viên ghi được đã nói lên nỗi lo sợ của người dân là hoàn toàn chính đáng.
Nhiều quả đồi ở xã Hòa Ninh bị khai thác nham nhở. |
Khai thác đất đồi đang lấn sâu vào cả trụ điện cao thế. |
Những trụ điện này có nguy cơ đổ bất cứ khi nào. |
Những hộ dân sống ở ven đồi (xã Hòa Liên) luôn bất an vì núi sạt lở bất cứ lúc nào. |
Các xe vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường (ảnh chụp tại tuyến đường dẫn vào mỏ đá trến địa bàn phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) |
Trọng Hùng