.

ĐB Nguyễn Bá Thanh: "Cần phân tích, bóc tách cho được nợ xấu"

.

(ĐNĐT) -  "Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu", ĐB Nguyễn Bá Thanh đề nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thanh
ĐB Nguyễn Bá Thanh: "Cần phải bóc tách ra, vì có khoản nợ không phải là nợ xấu nhưng cũng có những khoản nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được".

Ngày 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Nợ xấu tiếp tục là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Mở đầu phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nhắc lại chuyện năm 2011. Khi đó, cũng trên diễn đàn Quốc hội, ông cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng cần chú ý hai vấn đề rất lớn, đó là lợi ích nhóm và vấn đề nợ xấu.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thanh nhận định, đất nước đang đổi mới, phát triển, có nhiều thành tựu, trong đó cũng có công rất lớn của ngành ngân hàng, nhưng nếu mai này có sự đổ vỡ nền kinh tế gây nên cảnh hỗn loạn cũng bắt đầu chính từ hệ thống ngân hàng.

"Ngân hàng Nhà nước cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu, muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu", ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị rồi đặt câu hỏi: "Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao?".

Dẫn chứng cụ thể về thị trường bất động sản đóng băng, tụt giá, ĐB Nguyễn Bá Thanh cho rằng, còn một vấn đề cực kỳ phức tạp là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay. "Ví dụ một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800-1.000 tỷ đồng để được vay 600 tỷ, bây giờ bán chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ, đó mới gọi là nợ xấu. Đương nhiên, cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỷ đồng", ĐB Thanh nói.

Vì vậy, theo ông Thanh, cần phải bóc tách ra, vì có khoản nợ không phải là nợ xấu nhưng cũng có những khoản nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được; có những loại nợ xấu nằm ở các tập đoàn kinh tế, ngân hàng không bóc tách hết cho nên rất khó.

 
Một đất nước còn nghèo mà không dưới 100 tỷ đô-la chỉ trông vào nhà, đất, kể cả vàng
 
ĐB Nguyễn Bá Thanh

Ông tiếp tục nêu ví dụ, nhà máy xi-măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà, tổng mức đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ, quá trình thi công đến 45 tháng và tăng thêm 2.776 tỷ đồng, như vậy số vốn đi vay lớn hơn 5.000 tỷ đồng cho dự án này, đến hết tháng 3-2012 đã lỗ 1.215 tỷ. Xi-măng Cẩm Phả do Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam đầu tư 2,3 triệu tấn/năm, đầu tư 6.089 tỷ đồng cho dự án, sau 3 năm hoạt động đã lỗ 1.259 tỷ đồng.

"Đó là nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước phải thống kê một cách nghiêm túc, như vậy mới nói được đến lúc nào mới giảm nợ xấu, đến năm nào giảm bao nhiêu phần trăm", ông Thanh nhấn mạnh, bởi "khi phân tích những số liệu một cách chính xác mới xử lý rõ ràng hơn, có hiệu quả hơn".

Liên quan đến vấn đề hàng tồn kho, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, tồn kho nhiều nhất vẫn là đất, nhà, xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc. "Một đất nước còn nghèo mà không dưới 100 tỷ đô-la chỉ trông vào nhà, đất, kể cả vàng", ĐB than thở.

 ĐB đề nghị việc cần làm là phân khúc thị trường bất động sản và phân loại các dự án bất động sản. Đối với những dự án có tính khả thi cao thì giãn nợ, khoanh nợ và cho vay mới để thúc đẩy dự án, làm cho thị trường bất động sản ấm dần lên mới giải quyết được bài toán tồn kho và nợ xấu.

"Nhà 20 mét vuông không thể chứa 40-50 người"

Về vấn đề nhập cư, ĐB Nguyễn Bá Thanh cho rằng, trong thời gian qua, khi Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 23 của Hội đồng nhân dân thì có nhiều ý kiến nói về vấn đề này. Hiến pháp nói công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú, nhưng quyền tự do cư trú phải trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do cư trú chỉ là một trong những quyền cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, quyền tự do học hành, quyền tự do khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...

Tuy nhiên, theo ông Thanh, "không thể một nhà 20 mét vuông mà chứa 40-50 người được". Theo ông, luật chưa phù hợp thì cần tập trung sửa luật.

"Đà Nẵng chỉ hạn chế nhập cư vào trong nội thành, chứ không hạn chế nhập cư cho toàn thành phố. Nếu cư dân nào tha thiết đến sinh sống ở thành phố Đà Nẵng thì có thể ở ngoại thành và hạn chế vào trong nội thành. Chỉ hạn chế những người không có nghề nghiệp, không có nhà ở và không có công ăn, việc làm hoặc có tiền án, tiền sự", ông Thanh nhấn mạnh.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.