.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố lấy ý kiến góp ý dự thảo luật

.

Sáng 16-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQPAN) dự kiến trình QH xem xét thông qua  tại kỳ họp thứ tư sắp tới.

Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố phát biểu tại buổi lấy ý kiến góp ý luật. 			           Ảnh: S.T
Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố phát biểu tại buổi lấy ý kiến góp ý luật. Ảnh: S.T

Các ý kiến góp ý đều đồng tình cần thiết phải ban hành Luật GDQPAN là đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Qua đó làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đa số ý kiến thống nhất với quy định bồi dưỡng kiến thức QPAN là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý, kết quả bồi dưỡng là một tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Dự thảo luật cần quy định rõ hơn người có mức độ thương tật thế nào và được cơ quan y tế chứng nhận mới miễn môn học GDQPAN hoặc miễn học kỹ năng quân sự. Cần bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục kiến thức QP-AN qua mạng Internet; bổ sung thêm phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ ở phần giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên. Đa số ý kiến nhất trí với quy định Hội đồng GDQPAN từ Trung ương đến cấp huyện là cơ quan tư vấn, chỉ đạo giáo dục QPAN.

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu QH thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005. Các ý kiến góp ý đồng tình sau 5 năm thực hiện Luật PCTN đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn không giảm mà ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Do đó cần phải tiếp tục sửa đổi hoàn thiện Luật PCTN. Nhiều ý kiến đánh giá quy định kê khai tài sản của Luật PCTN hiện hành vẫn còn tính hình thức, chưa có tác dụng PCTN. Các ý kiến tập trung nhiều vào quy định việc kê khai và công khai tài sản cần phải chặt chẽ, thiết thực hơn. Theo đó, cần có chế tài cụ thể xử lý phần tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được. Luật cần phải có chế tài cụ thể đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình. Ban chỉ đạo PCTN Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu nhưng cần lập một cơ quan chuyên về PCTN hoạt động độc lập và thuộc QH. Cần tiếp tục hoàn thiện quy định khen thưởng người tố cáo tham nhũng và có biện pháp bảo vệ họ cùng thân nhân.

S.T

;
.
.
.
.
.