.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố lấy ý kiến góp ý dự thảo luật, nghị quyết

.

Sáng 11-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) thành phố Đà Nẵng do đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu QH thành phố chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại buổi lấy ý kiến.    Ảnh: S.Trung
Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại buổi lấy ý kiến. Ảnh: S.Trung

Các ý kiến tham gia góp ý đều đồng tình việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để QH, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Qua đó nâng cao trách nhiệm của những người này trước QH, HĐND và cử tri. Các ý kiến đề nghị phạm vi lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đối với HĐND chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và trưởng các ban của HĐND cấp tỉnh. Nên tổ chức định kỳ 2 năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần. Nhiều ý kiến góp ý việc phân loại mức độ tín nhiệm: “Cao, trung bình, thấp, chưa có ý kiến“ là rườm rà. Dự thảo Nghị quyết quy định việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm 2 lần sẽ gây tốn kém. Nên phân ra 2 loại mức độ: tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu ai có số phiếu tín nhiệm dưới 50% trong tổng số các đại biểu QH, đại biểu HĐND tham gia bỏ phiếu tín nhiệm thì vận động người đó từ chức hoặc QH, HĐND quyết định bãi miễn. Cần phải có quy định bỏ phiếu bất tín nhiệm trường hợp bất thường nếu có vấn đề xảy ra đã được xác minh làm rõ, có kết luận đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm không bảo đảm các tiêu chuẩn để tiếp tục giữ chức vụ. Dự thảo cần bổ sung quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt được bổ nhiệm ở những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công bố tại phiên họp toàn thể của QH, HĐND cấp tỉnh.

S.T

Chiều 11-10, Đoàn đại biểu QH thành phố tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu QH chuyên trách chủ trì hội nghị.

Các đại biểu góp ý kiến tập trung vào các vấn đề: Bổ sung quy định căn cứ để xác định nhà ở, đất ở duy nhất để được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển quyền nhà ở, quyền sử dụng đất ở gắn với tài sản trên đất của cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Quy định rõ hơn về điểm d Khoản 5 Điều 3 đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản dưới hình thức được ủy quyền để tránh trường hợp thất thu về thuế. Quy định rõ hơn về miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng, thừa kế, quà tặng là bất động sản tại khoản 1, Khoản 4 Điều 4. Bổ sung thêm đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động trên 3 tháng phải được đóng BHXH thì mới được áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần. Sửa đổi, bổ sung thêm Điều 21 và Điều 24 về kỳ tính thuế và quyết toán thuế đối với cá nhân có nguồn thu nhập vãng lai, thu nhập từ cho thuê tài sản làm tăng thêm thủ tục, phức tạp, phiền hà cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn việc miễn trừ thuế TNCN đối với những đóng góp từ thiện, nhân đạo, bởi hiện nay mới cho phép giảm trừ thuế cho những đóng góp các quỹ, còn những đóng góp từ thiện khác chưa được tính...

Kết thúc hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá cao quá trình chuẩn bị và những đóng góp cụ thể, thiết thực, có chất lượng của các đại biểu và hứa sẽ chuyển đầy đủ những góp ý này lên các cấp có thẩm quyền.

THÀNH LÂN

Sáng 11-10, Ban Thi đua-Khen thưởng thành phố tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - khen thưởng. Đồng chí Nguyễn Kim Dũng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng thành phố chủ trì hội thảo.

Sau 8 năm thực hiện Luật Thi đua-khen thưởng, phong trào thi đua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào đã được các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cơ sở phát động và triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị và ngày càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Thi đua- khen thưởng vẫn còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, đó là: Tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều, thực hiện công tác khen thưởng còn biểu hiện tràn lan, tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, hệ thống các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng trong quy định của Luật còn mang định tính nhiều, chưa rõ ràng... Vì vậy, trong nội dung của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này đề cập đến 4 vấn đề lớn: Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung các quy định về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và danh hiệu vinh dự Nhà nước; sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường quản lý Nhà nước ở một số nội dung, lĩnh vực cụ thể; sửa đổi, bổ sung về việc quy định cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào Chương 2, Chương 3 với các nội dung liên quan đến đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; tổ chức thi đua, danh hiệu thi đua, khen thưởng thi đua... Nhiều ý kiến đồng tình với việc phải có đăng ký thi đua để xét thi đua vào cuối năm. Riêng đối với người dân không cần phải đăng ký thi đua nhưng phải được địa phương đề xuất hình thức khen thưởng. Một số ý kiến đề nghị bỏ danh hiệu Lao động giỏi vì đã có Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua... Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số từ ngữ, câu chữ cho phù hợp để luật được chính xác và mang tính pháp lý cao.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.