Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động như một hành động giúp đỡ thiết thực cho ngư dân đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội. 12 ngư dân của thành phố Đà Nẵng cũng được chia sẻ, hỗ trợ đợt này.
LĐLĐ thành phố nhắn tin ủng hộ ngư dân. |
Cùng chung tay
Nhằm chia sẻ, giúp đỡ, sát cánh cùng ngư dân ra khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ cuối năm 2010, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ trương thành lập Nghiệp đoàn nghề cá để tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ ngư dân khi ra khơi, tương trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Đã có 30 nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước được thành lập. Và từ hơn một năm nay, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” như một hành động giúp đỡ thiết thực hơn cho ngư dân đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của đoàn viên, CNVCLĐ, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân cả nước, hơn 30 tỷ đồng đóng góp vào Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng. Trong đó, vận động từ tin nhắn 4,7 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm ủng hộ 26,8 tỷ đồng. Điều này một lần nữa khẳng định những ngư dân đang ngày đêm bám biển, bám ngư trường để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc không hề đơn độc. Hàng vạn tấm lòng đang hướng về họ, sẻ chia những gian khó trong cuộc mưu sinh trên biển luôn phải đối mặt với rủi ro, bất trắc do thiên tai, địch họa gây ra. Đợt này, 12 ngư dân của thành phố Đà Nẵng cũng được chia sẻ, hỗ trợ với tổng số tiền 450 triệu đồng và 5 thẻ bảo hiểm An ngư Việt (mức bảo hiểm tối đa 300 triệu đồng/tàu) để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, thiết bị... chuẩn bị cho chuyến vươn khơi cuối mùa.
Ấm lòng
Chị Trần Thị Cẩm Thanh, chủ tàu ĐNa 90297TS (ngụ tại đường Bàu Làng, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) vừa trở về từ Quảng Ngãi sau chương trình truyền hình trực tiếp “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Niềm vui của chị là được Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng hỗ trợ bù đắp cho những thiệt hại do bão gây ra, phần nào vơi đi những nỗi niềm, âu lo. Một nách 3 con, chị gánh gồng bươn chải trên bờ để chồng bám biển vươn khơi. Chồng chị có gần 30 năm bám biển đã chắt chiu tích cóp từng đồng từ những ngày đi bạn, rồi vay mượn gom góp đóng nên con tàu công suất 280 CV. Chị nói: “Trời thương thì cũng đủ trang trải. Chẳng may thiên tai, địch họa thì rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Chưa kể lúc được mùa cá, mực không có chỗ thu mua, còn ê chề thê thảm hơn”. Để chuẩn bị mỗi chuyến đi, về 3 tháng trời, mỗi chủ tàu phải chuẩn bị chu đáo cho gần 30 bạn ứng tiền thúng, lưới; rồi tiền mua dầu, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ... gần 800 triệu đồng. Sau cơn bão số 2 năm nay, con tàu bị hư hỏng nhiều thiết bị quan trọng, mọi dụng cụ, đồ đạc mất hết, coi như trắng tay, nợ trước chưa trả hết, nợ sau lại chồng lên. Rồi lại vay mượn, gom góp. Giờ vợ chồng chị còn nợ gần 1 tỷ đồng. Khi được hỏi có tiếp tục ra khơi, chị nói: “Đi chứ, cái nghiệp rồi, còn người là còn của mà!”. Cũng như chị, nhiều ngư dân khác trên địa bàn thành phố đều chia sẻ ước nguyện của họ, dù khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng tiếp tục ra khơi. Và họ cũng mong lắm, một tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn, hay HTX đánh bắt xa bờ cho họ gia nhập như một nơi nương tựa, chia sẻ trước mọi bão giông, sóng gió, để họ không thấy lẻ loi, đơn độc trên ngư trường.
Chính từ ước nguyện này, các cấp Công đoàn và CNVCLĐ cả nước sẽ cùng cộng đồng xã hội tiếp tục tham gia giúp đỡ ngư dân Việt Nam bám biển qua tổng đài 1400 của cổng thông tin nhân đạo Chính phủ. Mong rằng, từ những hỗ trợ, chia sẻ kịp thời này, sẽ giúp ngư dân cả nước nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng, ấm lòng, vững tin tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGỌC YẾN