Ngày 12-10, Sở VH-TT&DL tổ chức tọa đàm chuyên đề “Giao tiếp - ứng xử văn minh nơi công cộng” nhằm đánh giá thực trạng và tìm ra những giải pháp để xây dựng văn minh trong giao tiếp, ứng xử, qua đó thúc đẩy chuyển biến trong việc xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
Hai thanh niên giúp một cụ già qua đường. |
Còn đó những “điểm trừ”
Theo Sở VH-TT&DL, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động thực tiễn cũng như nhận thức của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giao tiếp, ứng xử nơi công cộng vẫn còn nhiều bất cập.
Thạc sĩ Đàm Thị Vân Dung, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đề cập đến thực trạng đáng báo động về cư dân đô thị coi thường việc thượng tôn pháp luật. Hiện tượng phổ biến tiếp tục diễn ra trên đường phố là vi phạm Luật Giao thông như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, bóp còi, rú ga; vứt rác và chất thải ra vỉa hè, đường sá, vườn hoa.... “Đó là biểu hiện của việc bất tuân luật lệ và lối sống, phong cách phi đô thị, phi văn hóa và dân trí thấp”, bà Dung nhấn mạnh.
Thực trạng thiếu văn hóa trong ứng xử giữa con người với con người vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, từ trường học, đến cơ quan, công sở; các thiết chế văn hóa, điểm tham quan, du lịch, địa điểm vui chơi giải trí, cho đến sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe và các phương tiện giao thông công cộng.
Những hành vi đó được ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, đồng chủ trì tọa đàm nêu ra như: Tình trạng trẻ không kính già, trò không trọng thầy, con không nghe lời cha mẹ; trong nói năng, trong hành động, cử chỉ thì thô lỗ, lố lăng. Đến những nơi đình chùa linh thiêng, lẽ ra cần sự trang nghiêm thì một số người vẫn diện những trang phục hở hang và cho đó là ăn mặc sành điệu. Rồi còn tình trạng không xếp hàng khi mua vé tại nhà ga, bến xe, bến tàu, ngay cả khi thanh toán ở những siêu thị lớn.... Có không ít cảnh chen lấn, xô đẩy và kéo theo đó là những câu chửi thề tục tĩu, rất phản cảm.
Đâu là nguyên nhân?
Các đại biểu đã phân tích và đưa ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đó là do một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về văn hóa ứng xử nơi công cộng; chương trình giáo dục ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội còn xem nhẹ nội dung bồi dưỡng kỹ năng ứng xử, giao tiếp; nếp sống đô thị, nhịp độ khẩn trương, căng thẳng của lối sống công nghiệp; mối quan hệ giữa con người trong lao động, sinh hoạt; sự tuân thủ các định chế xã hội không phải cá nhân nào cũng dễ dàng thích ứng. Trong khi đó, văn minh đô thị bắt buộc mỗi cá nhân phải hành động trong khuôn khổ của luật pháp, trật tự đô thị.
PGS, TS Lê Văn Đính (Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III) cho rằng, chúng ta còn thiếu các chuẩn mực về văn hóa nơi công cộng và các chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Do đó, mặc dù có những quy định về văn hóa cộng đồng, nhưng người dân không thực hiện thì vẫn không bị xử lý. Những mặt trái của kinh tế thị trường đã và đang làm biến dạng lối sống đẹp, thuần phong mỹ tục của một bộ phận không nhỏ cư dân, đặc biệt là giới trẻ như: ma túy, ăn chơi trụy lạc, trộm cướp, cờ bạc, đâm thuê, chém mướn theo kiểu xã hội đen...
PGS, TS Lê Văn Đính (Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III) cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí giao tiếp, ứng xử văn minh cho từng loại hình, địa điểm công cộng cụ thể trên địa bàn thành phố. Tổ chức các diễn đàn nói về lối sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa; giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng; kịp thời điều chỉnh những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nảy sinh trong những mối quan hệ xã hội. Xuất bản các ấn phẩm nói về giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa giao tiếp nơi công cộng cho các tầng lớp nhân dân. Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng, cần đề ra các hình thức xử phạt các vi phạm. Thưởng, phạt đúng mức đối với những người làm tốt và chưa tốt đối với các hành vi nơi công cộng, góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục văn hóa ứng xử, giao tiếp nơi công cộng. |
Bài và ảnh: VĂN NỞ