Chiều 17-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) thành phố Đà Nẵng do đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống thiên tai.
Ảnh: SƠN TRUNG |
Các ý kiến góp ý nêu lên thực trạng hiện nay có nhiều văn bản quy định về phòng chống thiên tai, chỉ riêng liên quan đến phòng, chống lụt bão đã có 150 văn bản. Văn bản nhiều nhưng chưa đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Do đó cần thiết phải có đạo luật chung điều chỉnh hoạt động này. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật còn quá chung chung, nếu ban hành thành luật sẽ khó thực hiện. Cần quy định rõ ở mức độ thiệt hại thiên tai như thế nào thì cơ quan nào ra lời kêu gọi khắc phục hậu quả. Đối tượng làm công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cần quy định rõ là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp là nòng cốt. Dự thảo luật cần bổ sung quy định phải ban hành tiêu chuẩn về kỹ thuật xây dựng nhà ở bảo đảm phòng, tránh được tác động thiên tai, trong đó Nhà nước cần hỗ trợ cho hộ nghèo bảo đảm thực hiện được tiêu chuẩn này khi xây dựng nhà ở. Cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư xây dựng thủy điện về việc tích nước gây ra hạn hán, xâm nhập mặn. Tên của luật cần sửa thành Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho hợp lý bởi vì thiên tai là bất ngờ, không ai có thể chống được.
S.T