Đến nay, hơn 75% hộ dân ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) đã có BHYT. Song, điều này không đồng nghĩa với việc bà con nơi đây được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao như những người dân thành thị. Vì vậy, việc đưa bác sĩ từ các bệnh viện uy tín ở thành phố về khám cho bà con Hòa Phú là hoạt động hết sức thiết thực.
Các bác sĩ từ những bệnh viện lớn của thành phố tham gia khám bệnh cho người dân xã Hòa Phú. |
Tham gia đoàn bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí cho bà con Hòa Phú, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, thành viên của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố cho biết, qua khám bệnh thấy người dân Hòa Phú đã có ý thức tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn cùng với những bất lợi như đường sá xa xôi, bệnh viện không gần nên có những bệnh đáng lẽ phải điều trị lâu dài thì bà con không để ý. Phần lớn người dân nơi đây chỉ uống thuốc cho qua, chưa quan tâm chữa trị những bệnh mãn tính, chỉ khi nào bệnh thật sự nghiêm trọng thì mới tìm đến các cơ sở y tế tuyến trên.
Đến từ thôn cuối xã, xa trung tâm hành chính và Trạm y tế xã, bà Lê Thị Cẩm (thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú) than rằng, tuổi thì cao, sức khỏe không tốt nên nhiều khi đau nhức xương khớp, muốn đến trạm y tế xin thuốc và khám bệnh cũng bất tiện, đi ngược về phía thành phố thì còn xa hơn. Tiện có bác sĩ ở bệnh viện thành phố lên khám, bà Cẩm hỏi han bác sĩ đủ thứ, rồi cứ theo đơn được kê mà nhận thuốc mang về. “Ngoài việc khám bệnh cho bà con, chúng tôi còn hướng dẫn để họ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, để ý hơn đến những căn bệnh mãn tính cần phác đồ điều trị kéo dài. Một mặt, chúng tôi giúp người dân ý thức hơn trong công tác phòng bệnh, mặt khác góp phần giảm tải cho tuyến trên nếu bà con chăm sóc tốt sức khỏe bản thân”, bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
Tham gia chuyến công tác khám và phát thuốc miễn phí cho bà con Hòa Phú, anh Lê Bá Hiếu, cán bộ Sở Y tế nhận thấy hoạt động này đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người dân nơi đây. “So với những người sống ở trung tâm thành phố, có đủ điều kiện về chăm sóc y tế như thuốc tốt, bác sĩ giỏi, bệnh viện gần... thì người dân Hòa Phú có phần thiệt thòi hơn. Vì thế, chúng tôi đưa các bác sĩ tình nguyện về khám cho bà con, giải tỏa bớt cho họ phần nào nỗi lo về bệnh tật và cung cấp những lời khuyên bổ ích cho việc chăm sóc sức khỏe”.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Hòa Phú khám bệnh cho gần 100 lượt dân, trong đó phần lớn là những bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Lai, Trưởng Trạm y tế Hòa Phú cho biết, trạm vẫn chưa có máy siêu âm, máy điện tim nên những bệnh cận lâm sàng có thể khám và điều trị tại chỗ thì lại phải chuyển lên tuyến trên.
Riêng đối với bà con thôn Phú Túc, nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế, chỉ bệnh nặng mới tìm đến bác sĩ. Do đó, trạm y tế đã cử 2 nhân viên y tế là người dân tộc cắm tại thôn để hướng dẫn cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của bà con. Mặc dù vậy, việc thay đổi nhận thức trong chăm sóc sức khỏe không phải chuyện ngày một ngày hai. Vì thế, đi kèm với việc khám bệnh, các bác sĩ tuyến thành phố cũng dặn dò kỹ lưỡng những cách để bà con giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả. Sự góp mặt của các bác sĩ tuyến trên, tham gia khám chuyên sâu từ răng, hàm, mặt đến những bệnh nội khoa, tim mạch, tiêu hóa... đã thực sự mang lại niềm vui cho bà con. “Chúng tôi sẽ triển khai nhiều hoạt động tương tự như vậy, đặc biệt là tập trung ở những xã vẫn đang thiếu bác sĩ ở Hòa Vang như xã Hòa Phước, Hòa Châu... Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với bà con mà còn giúp những người làm nghề y đến gần với dân hơn”, anh Lê Bá Hiếu khẳng định.
Bài và ảnh: HÀ AN