Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội và đánh giá thực hiện ngân sách năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Gia Lai, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: HỮU HOA |
ĐBQH Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận định, diễn biến tình hình kinh tế đất nước cho thấy tính bất ổn của nền kinh tế là hệ quả của sự bất ổn trong suốt 4 năm qua, bắt đầu từ năm 2008 mà Chính phủ phải luôn ứng phó bằng những biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đầu năm, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt theo tinh thần Nghị quyết 11. Khi tổng cầu của nền kinh tế giảm nhanh, thể hiện qua mức tăng trưởng GDP quý 1 năm 2012 chỉ có 4%. Từ quý 2, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường với các biện pháp như giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng, hoãn nộp tiền sử dụng đất năm 2011 cho doanh nghiệp bất động sản… mang lại kết quả nhất định nhưng vẫn chưa kích thích tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Mặc dù từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã năm lần giảm lãi suất huy động tiền gửi, kéo giảm lãi suất cho vay, nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Trong khi các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn thì từ đầu tháng 10 đến nay, cả lãi suất huy động và cho vay đang có dấu hiệu tăng trở lại dưới các hình thức khác nhau, bất chấp Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động 9% và trần cho vay 15%; đã có trên 40.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Về định hướng năm 2013, ĐB Thân Đức Nam đồng tình với mục tiêu của Chính phủ là phải tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa về tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường, giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng trở lại. ĐB kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm củng cố niềm tin của thị trường bằng các chính sách và biện pháp kinh tế - tài chính như một gói giải pháp đồng bộ bao gồm: Áp dụng biện pháp đặc biệt khoanh nợ và cho vay mới các doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp đang thực hiện những dự án nhà ở đang có thị trường, dự án BOT, BT trong lĩnh vực hạ tầng đang ngưng trệ do thiếu nguồn tín dụng; ngăn chặn xu hướng tăng số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động; tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng.
ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, với tổng số 15 chỉ tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 thì dự kiến có đến 5 chỉ tiêu không đạt, bao gồm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. Trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất, có tính quyết định các chỉ tiêu khác là tăng trưởng kinh tế không đạt với khoảng cách xa chứ không phải xấp xỉ: ước thực hiện 5,2% so với Nghị quyết Quốc hội là từ 6-6,5% GDP. ĐB đề nghị cần phải báo cáo cụ thể, kể cả nguyên nhân đạt, không đạt và xác định rõ trách nhiệm.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Thiếu tướng, Chính ủy Tổng Cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đã tham gia phát biểu ý kiến.
ĐB cho rằng, khoản 5 Điều 5 dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia là rất đúng đắn, thể hiện chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực DTQG, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi tiềm lực ngân sách có hạn. ĐB đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào luật những quy định cụ thể, chi tiết hơn như ưu đãi về mặt bằng xây dựng kho lưu trữ, xuất nhập khẩu trang thiết bị và công nghệ phục vụ bảo quản hàng hóa lưu trữ...
Về quy hoạch kho DTQG, thực tế hiện nay hệ thống kho chứa hàng dự trữ được hình thành hơn 50 năm nay đang trong tình trạng manh mún, phân tán nhỏ lẻ, chất lượng xây dựng chưa bảo đảm yêu cầu bảo quản hàng DTQG theo thời hạn quy định. Do đó, ĐB cho rằng vấn đề khắc phục hiện trạng và thực hiện xây dựng mạng lưới kho DTQG hợp lý về mặt không gian lãnh thổ, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đồng thời bảo đảm dự trữ lượng hàng hóa cao nhất, đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu bức thiết, đột xuất của đất nước là hết sức cần thiết và là nhiệm vụ có tính chiến lược. ĐB đề nghị cần bổ sung thêm những nội dụng chi tiết, đặt ra những lộ trình cụ thể hơn tại các Điều 55 và 56 dự thảo luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
PHẠM HỮU HOA