Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam đã tham gia phát biểu ý kiến.
Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường. |
ĐB Thân Đức Nam cho rằng, Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; nhưng dự thảo luật sửa đổi theo hướng, hàng hóa xuất nhập khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. ĐB nhận định, việc sửa đổi này có tác dụng hạn chế được hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế, củng cố tính nghiêm minh của pháp luật về thuế; nhưng mặt khác chính quy định này sẽ phần nào ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm sút như hiện nay, làm doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, ĐB đề nghị cân nhắc, nghiên cứu lại quy định này thận trọng hơn để bảo đảm vừa hài hòa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp.
Về vấn đề hoàn thuế, ĐB Thân Đức Nam cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 60 đưa ra tiêu chí “người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế” là chưa rõ ràng. Quy định như vậy nếu áp dụng đối với các doanh nghiệp mới được thành lập, kể cả khi các giao dịch của họ được thực hiện qua ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng và hồ sơ đó thuộc diện hoàn thuế trước thì sẽ tạo ra bất cập. ĐB đề nghị, nếu trong luật không quy định được thì có thể giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể về người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Đồng thời, ĐB đề nghị cân nhắc, rút ngắn thời gian giải quyết việc hoàn thuế trước, kiểm tra sau quy định tại khoản 2 Điều 60 xuống còn 6 ngày làm việc, trên cơ sở vừa phải bảo đảm chặt chẽ trong việc kiểm tra hồ sơ, thủ tục, vừa đáp ứng được nhu cầu hoàn thuế của các doanh nghiệp.
Về xử lý việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt hành vi khai sai quy định tại Điều 107 “Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp…”, ĐB Thân Đức Nam cho rằng, quy định như vậy liệu có đồng nghĩa với việc mặc nhiên xác định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn cũng bao hàm cả hành vi chậm nộp tiền thuế do người vi phạm vừa phải nộp phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, lại vừa phải nộp phạt tiền chậm nộp thuế. Trong khi đó, hành vi chậm nộp tiền thuế đã bị xử phạt theo quy định của Điều 106. Như vậy, có thể hiểu một hành vi khai sai thuế nhưng bị xử phạt đến hai lần, trái với nguyên tắc một hành vi vi phạm về thuế chỉ bị xử phạt một lần quy định tại Điều 104. Do đó, ĐB Thân Đức Nam đề nghị làm rõ hơn quy định của Điều 107 để bảo đảm phù hợp, thống nhất với nguyên tắc xử phạt hành chính.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (HTX - sửa đổi). Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã tham gia phát biểu ý kiến.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, dự thảo lần này đã có chỉnh lý một số nội dung so với lần trước; các quy định về thành viên HTX, về tổ chức quản lý HTX rõ ràng, đầy đủ hơn. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, mô hình HTX mà dự thảo luật thể hiện là mô hình HTX chỉ tự cung, tự cấp sản phẩm, dịch vụ, chỗ làm việc cho xã viên, hộ xã viên, không hướng tới thị trường; HTX không có quyền tự chủ, tự quyết, tự định đoạt hoạt động, thành quả lao động, tài sản vốn quỹ của mình... ĐB nhận định đây chính là mô hình HTX kiểu cũ mà thời gian qua chúng ta đã phải tập trung khắc phục. Những nội dung quy định trong dự thảo cũng không phù hợp với những quy định về quyền tự chủ trong hoạt động kinh tế, quyền sở hữu, định đoạt về thành quả lao động, tài sản của công dân và tổ chức kinh tế trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự. Qua tiếp xúc cử tri, các cuộc hội thảo vừa qua cho thấy tâm lý trong các HTX rất phức tạp, nếu mô hình này lại được áp dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc củng cố, phát triển HTX, không khuyến khích người dân đi vào con đường HTX. Khác với trước đây, hiện nay người dân có hai con đường: hoặc thành lập các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoặc HTX. Tất cả sự hạn chế và can thiệp như trên đối với các công ty, doanh nghiệp tư nhân đều không có. Vì vậy, có thể thấy rằng nếu lựa chọn con đường làm ăn kinh tế, người dân dễ lựa chọn con đường công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân; không có ai đi vào con đường HTX với những hạn chế, ràng buộc như vậy.
Từ thực tế trên, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị, cần xác định và định nghĩa rõ HTX là doanh nghiệp, là tổ chức kinh tế hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Trong tổng hợp ý kiến các Đoàn ĐBQH, có 12 Đoàn nhất trí định nghĩa HTX như trong dự thảo, nhưng có đến 15 Đoàn đề nghị xác định HTX là một loại hình doanh nghiệp và hoạt động như doanh nghiệp. Cùng với khẳng định HTX là tổ chức kinh tế tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau, chú trọng và ưu tiên tập trung đáp ứng các nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, trong đó có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ và việc làm, nhưng không hạn chế hoạt động của HTX dưới bất kỳ hình thức nào. ĐB đề nghị bỏ tất cả các quy định trực tiếp, gián tiếp hạn chế hoạt động của HTX, đặc biệt là quy định về hai loại hình HTX dịch vụ và HTX tạo việc làm; bỏ quy định Chính phủ hướng dẫn tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài; để cho HTX được toàn quyền quyết định về việc này tùy thuộc vào điều kiện thực tế và đặc điểm của từng loại hình HTX.
ĐB đề nghị cần xác định rõ, HTX là doanh nghiệp, là tổ chức kinh tế của người dân, tài sản vốn quỹ và thành quả lao động là của các thành viên HTX, do họ sở hữu và định đoạt theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự . ĐB đề nghị bỏ các quy định về phân phối thu nhập và tài sản không chia.
PHẠM HỮU HOA