.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Cần rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận bào chữa

.

Sáng 23-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Luật sư (sửa đổi). Phó trưởng Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã tham gia phát biểu ý kiến.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. 	         	          Ảnh: PHẠM HỮU HOA
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. Ảnh: PHẠM HỮU HOA

Về quy định cấm luật sư “nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác...” (điểm đ, điểm h khoản 1 Điều 9), ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần phân biệt rõ sự khác nhau căn bản giữa hành vi nhận và hành vi đòi hỏi, vì bản chất của hai hành vi này là hoàn toàn khác biệt nhau.

Đối với hành vi cấm đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác, ĐB hoàn toàn thống nhất với phần giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mục đích cấm nhằm ngăn chặn tình trạng luật sư lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi bất chính, gây bức xúc cho đương sự. Do đó luật quy định nội dung cấm này là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, đối với hành vi cấm nhận bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, quy định cấm trong trường hợp này là không hợp lý và không khả thi, không phù hợp với tình cảm của người Việt Nam, vì theo truyền thống của nhân dân ta từ xưa đến nay, khi đạt được nguyện vọng của mình, khách hàng thường tự nguyện tặng luật sư một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó thì cũng không trái pháp luật về dân sự và đạo đức xã hội. Hơn nữa, nếu luật quy định cấm thì cũng không khả thi vì thực tế sẽ không thể nào kiểm soát được việc đôi bên cùng tự nguyện cho và nhận như vậy. Do đó, ĐB đề nghị bỏ quy định cấm này tại điểm đ, điểm h khoản 1 Điều 9.

 Về cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư (khoản 1 và khoản 2 Điều 17), ĐB thống nhất và hoan nghênh dự thảo luật mới đã cắt giảm 2/7 loại giấy tờ trong Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư so với luật hiện hành. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cân nhắc lại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17: Khoản 1 quy định, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thì làm hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư; còn khoản 2 quy định, người được miễn tập sự hành nghề Luật sư thì gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề cho Sở Tư pháp. Theo ĐB, dự thảo luật quy định tại mỗi tỉnh có đến hai cơ quan cùng thực hiện thẩm quyền thụ lý hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho hai loại đối tượng khác nhau như trên là chưa thật sự hợp lý, chưa phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay. ĐB đề nghị nên xem xét, giao cho một cơ quan duy nhất thực hiện nhiệm vụ này, hoặc là Đoàn Luật sư, hoặc là Sở Tư pháp, vì đây là công việc đơn giản, chỉ đơn thuần kiểm tra, thẩm định ban đầu về thủ tục giấy tờ nên cơ quan nào cũng làm được, hoàn toàn không phải là công việc quá khó khăn. Thực tế hiện nay, tại các địa phương, Sở Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về luật sư, công chứng, giám định… Do đó, ĐB đề nghị nên tập trung công tác này về một đầu mối duy nhất, giao cho Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này để trình Bộ Tư pháp là phù hợp nhất.

Về cấp giấy chứng nhận bào chữa (Điều 27), ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, sự tham gia của luật sư trong tố tụng không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần quan trọng xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ rất quan trọng của tố tụng hình sự. Vì vậy, việc mở rộng sự tham gia của luật sư, cho phép luật sư tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ là cần thiết và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng đã quy định. Vấn đề là thực tế, có nơi, có lúc, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa bảo đảm quyền tham gia bào chữa của luật sư được kịp thời. ĐB cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định rất đúng là vấn đề cốt lõi, mấu chốt ở chỗ không phải việc cân nhắc cần thiết hay không cần thiết cấp giấy chứng nhận bào chữa, mà vấn đề then chốt là cần quy định cơ chế hữu hiệu để bảo đảm việc cấp giấy chứng nhận bào chữa phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, nếu từ chối phải có văn bản và nêu rõ lý do. Trên tinh thần đó, ĐB đề nghị luật nên quy định theo hướng rút ngắn thời gian cấp hai loại giấy này từ ba ngày xuống còn một ngày làm việc, đồng thời cần quy định bổ sung vào khoản 5 Điều 27 biện pháp chế tài: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nếu cố tình trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho luật sư thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành. Có như vậy thì mới đủ tính pháp lý cần thiết, bảo đảm quy định này được tuân thủ nghiêm túc trên thực tế.

Về việc cho phép người đã bị xử lý hình sự làm luật sư (khoản 4 Điều 17); theo dự thảo luật, các đối tượng đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý thì không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều này có nghĩa, khi các đối tượng này đã được xóa án tích thì được phép hành nghề luật sư.

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, xuất phát từ quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật Luật sư lần này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng luật sư, trong đó chú trọng nhất là vấn đề đạo đức, tư cách của người hành nghề luật sư, ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng, không cho phép người đã có tiền án được làm luật sư. Vì từ xưa đến nay, nghề luật sư luôn được xã hội tôn trọng và đề cao. Luật sư ngoài chức năng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, còn có chức năng xã hội rất cao cả là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải nên trước hết phải là người tuân thủ nghiêm túc pháp luật. Đây là nghề nghiệp đặc thù nên đòi hỏi nhân thân, tư cách đạo đức, phẩm chất, uy tín nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng. Người hành nghề luật sư phải có những tiêu chuẩn cao hơn các loại nghề nghiệp khác. Đây là nghề cao quý trong các nghề cao quý, cho nên không thể lấy lý do luật sư cũng là con người, nếu phạm tội, được xóa án tích thì có quyền làm luật sư. ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng, người đã từng phạm tội, cho dù vì lý do vô ý hay cố ý đều phải chấp nhận không được làm nghề luật sư.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.