.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Gia đình từ thiện

“Đôi chân còn đi được là còn sẻ chia, còn giúp đỡ người nghèo, bất hạnh”, đó là tâm niệm của CCB Phạm Quang Dũng (ở tổ 56, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Trở về sau chiến tranh ác liệt, ông Dũng cùng vợ, bà Lê Thị Mai đều chẳng may bị nhiễm chất độc da cam, nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, khi Đảng cần, dân muốn, vợ chồng ông đều sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ.

Những chuyến từ thiện ý nghĩa

Vợ chồng ông Dũng có 6 người con. Hiện các con ông đều trưởng thành và thành đạt, đặc biệt cô con gái thứ hai đang là Giám đốc Công ty TNHH trang trí nội thất Tùng Lâm. Ông Dũng tâm sự: “Tôi nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực, bất hạnh hơn mình. Vì vậy, tôi luôn khuyên bảo các con, lợi nhuận từ kinh doanh ngoài việc để tái đầu tư, tích lũy cho gia đình, nên trích một phần để giúp đỡ cho những gia đình khó khăn, bất hạnh”. Lời khuyên ấy được các con của ông cụ thể hóa bằng những chuyến từ thiện đầy ý nghĩa.

Cứ 2 tuần một lần, gia đình ông Dũng lại tự đóng góp tiền để nấu cháo tình thương phát tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Tại đây, các bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa đều được gia đình ông mang đến suất cháo cùng sữa. Ngoài ra, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được gia đình ông hỗ trợ thêm tiền để có điều kiện sinh hoạt, chữa trị. Ông Dũng nói vui rằng, mỗi lần đi phát cháo tình thương, gia đình tôi đều mặc đồng phục áo màu cam nên các bệnh nhân, y bác sĩ ở đó đều gọi bằng cái tên thân mật “Gia đình da cam”. Điều này cũng đúng, bởi trong bản thân mỗi cá nhân gia đình ông đều có ít nhiều chất độc này.

Không chỉ làm từ thiện tại địa phương, gia đình ông Dũng cũng thường xuyên đi cứu trợ đồng bào các vùng bị lũ lụt, thiên tai. Ông Dũng kể lại: Năm 2010, lũ lụt tàn phá các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, ông kịp thời liên hệ với chính quyền huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cứu trợ cho xã Quảng Sơn - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai 600 suất quà, tổng trị giá 105 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ chính sách 200.000 đồng/hộ.

Sẻ chia với trẻ em da cam

Bản thân nhiễm chất độc da cam nên ông Dũng thấu hiểu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam, nhất là trẻ em. Vì vậy, từ năm 2006 đến nay, ông đều vận động gia đình tổ chức vui Trung thu cho trẻ em da cam trên địa bàn phường.

Năm 2011, ông vận động các con của mình tặng 30 suất quà cho trẻ em nghèo bất hạnh, trẻ nhiễm chất độc da cam trên địa bàn, trị giá 350.000 đồng/suất. Đến Trung thu năm 2012, gia đình ông tiếp tục tặng 30 suất quà với tổng trị giá 9 triệu đồng cho trẻ em nhiễm chất độc da cam, qua đó giúp các em có một cái “Tết đoàn viên” sum vầy, tràn đầy ý nghĩa. Song song với công tác của địa phương, tại khu dân cư, hằng năm gia đình ông đều tặng quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Trung thu 2012, ông cũng tặng 30 suất quà trị giá gần 2 triệu đồng; đồng thời tặng 119 suất quà gồm bánh, kẹo, mỗi suất trị giá 50.000 đồng cho trẻ em, thiếu nhi tại tổ 56.

Cùng với số tiền vận động từ con cái, bản thân ông và vợ hằng tháng đều trích từ khoản lương hưu để giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn, san sẻ với họ cả về vật chất lẫn tinh thần.

6 năm làm từ thiện, 6 năm mang Trung thu đến cho trẻ em da cam, trẻ em nghèo bất hạnh, ở tuổi 72, CCB Phạm Quang Dũng vẫn miệt mài với công tác từ thiện. Ông trải lòng: “Bác Hồ đã từng dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” nên mình làm từ thiện vừa giúp đỡ người nghèo, vừa là một cách để học tập theo Bác”.

TRUNG TRỰC

;
.
.
.
.
.