.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

.

Trở về sau cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, dù bị thương tật 95%, mất 2 bàn tay, hỏng một mắt, gãy xương hàm nhưng người thương binh hạng 1/4 Trần Việt Bắc (tổ 5, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương.

Những lúc rảnh rỗi, ông Trần Việt Bắc chăm sóc cây cảnh. 		     Ảnh: CAO MINH
Những lúc rảnh rỗi, ông Trần Việt Bắc chăm sóc cây cảnh. Ảnh: CAO MINH

Năm 1979, Trần Việt Bắc nhập ngũ, sau đó được cử đi học tại trường sĩ quan đặc công. Ra trường, ông được điều về Tiểu đoàn 409, Mặt trận 679 Quân khu 5. Trong những năm tháng chiến đấu giúp nhân dân Campuchia, ông đã 2 lần bị thương, một lần bị trúng mìn xuyên qua má làm gãy xương hàm, lần thứ hai bị thương hỏng một mắt, mất hai bàn tay, thấu phổi.

Năm 1994, ông Bắc phục viên, trở về cuộc sống đời thường. Trong thời bình, ông bước vào cuộc chiến mới - cuộc chiến mưu sinh. Với thương tật nặng, thời gian đầu ông chán nản, mặc cảm, tự ti. Rồi cuộc sống quá khó khăn, ông nhận thấy mình không thể trở thành gánh nặng cho gia đình, nên dù không còn hai bàn tay nhưng ông bắt đầu tập sử dụng các vật dụng trong nhà. Lúc đó, vợ ông - bà Cao Thị Hiền đang là công nhân của Công ty Dệt may 29-3 ngày nào cũng đi làm từ sáng tới tối. Ở nhà, một tay ông chăm sóc hai cô con gái nhỏ, lo mọi việc từ cơm nước đến giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Với nghị lực và sự kiên trì, người lính trở về từ chiến trường Campuchia đã cùng gia đình vượt qua những khó khăn tưởng như quá sức đối với một thương binh nặng như ông.

Đến năm 1999, ông Bắc được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 5. Ông tâm sự rằng, ông lo lắng lắm vì đây là tổ dân phố nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ. Người dân trong khu phố là công nhân, viên chức thu nhập không cao. Hơn nữa, tình hình an ninh lại phức tạp do ở khu vực cảng… Vì vậy, ông suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và vận động bà con tham gia các hoạt động của địa phương. Với bất kỳ hoạt động gì, ông không những nhiệt tình tham gia đầu tiên mà còn tận tình hướng dẫn, đến tận nhà mỗi gia đình thông báo và mời họ tham gia. Có lẽ vì đồng cảm với tấm lòng của người thương binh mà bà con trong tổ cũng tích cực hơn với các hoạt động.

Cùng với nhiệm vụ tổ trưởng tổ dân phố, ông Bắc còn tham gia công tác dân phòng. Hằng đêm, ông cùng Công an khu vực đi tuần tra, góp phần nhỏ trong việc giữ bình yên cho giấc ngủ của bà con. Ngoài ra, ông còn thường xuyên gặp gỡ, động viên những thanh niên chưa có việc làm, thanh niên mới xuất ngũ tham gia vào đội dân phòng chung tay bảo vệ cuộc sống của khu dân cư. Nhờ đó mà các hoạt động của tổ dân phố 5, phường Hòa Thuận Đông đi vào nền nếp, năm nào cũng dẫn đầu các chỉ tiêu tại địa phương. Nhiều năm tổ được phường và quận tặng giấy khen.

Sau đó, ông Bắc thôi làm tổ trưởng tổ dân phố và chuyển sang làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh, thành viên của Ban liên lạc Tiểu đoàn 409 đặc công… Ông luôn xác định ở bất kỳ nhiệm vụ nào cũng phải cố gắng hết sức mình để xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Mới đây, ông được Hội CCB thành phố tặng bằng khen 5 năm liền là CCB tiêu biểu cấp thành phố, được Bộ LĐ-TB&XH trao tặng bằng khen “Người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác toàn quốc năm 2012”.

Ngôi nhà nhỏ của ông Bắc luôn ngập tràn màu xanh và tiếng cười. Hai cô con gái ông giờ đã lớn, một người học ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và một người học lớp 8. Ngoài những sinh hoạt cá nhân thường ngày, ông Bắc tự tạo niềm vui cho mình bằng cách tự nghiên cứu cách cầm kéo để cắt tỉa cây cảnh trong nhà. Không có ngón tay, nhưng ông vẫn có thể viết, làm thơ… Ông Bắc chia sẻ rằng, cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cần luôn cố gắng, vươn lên như lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.

CAO MINH
 

;
.
.
.
.
.