.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Mong được... “thất nghiệp”

.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc lực lượng Cảnh sát PCCC “thất nghiệp”. Vì vậy, Đại úy Trương Huy Chương, Đội trưởng Đội chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC Hải Châu luôn xem lời chúc đó của Bác là kim chỉ nam để hành động. Với anh, phải làm sao hằng ngày không có cháy nổ xảy ra, Công an không phải chữa cháy, để tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân an toàn.

Đại úy Trương Huy Chương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 		          Ảnh: NGỌC PHÚ
Đại úy Trương Huy Chương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: NGỌC PHÚ

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát PCCC, Chương về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC thuộc Công an thành phố Đà Nẵng. Ở đây, anh vừa công tác vừa tiếp tục nâng cao trình độ của mình. Chương tâm niệm: “Có những người dân chắt chiu cả cuộc đời mới gây dựng được cái nhà, mua sắm đồ đạc thì bị hỏa hoạn thiêu rụi, trở nên tay trắng. Điều đó thôi thúc người lính chữa cháy luôn phải xuất xe nhanh, chữa cháy hiệu quả mỗi khi có cháy nổ xảy ra”.

Cuối năm 2010, nhà bà Nguyễn T.T (ở đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) phát hỏa. Khi nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng xuất 2 xe cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, trong đó có Chương. Khi đến hiện trường, Chương triển khai các phương án thăm dò rồi dùng vòi rồng cùng đồng đội xông vào chữa cháy. Ít phút sau, ngọn lửa được khống chế.

Lúc 12 giờ 15 ngày 23-12-2011, vũ trường Phương Đông đã phát hỏa. Nhận tin báo, với cương vị Đội trưởng chữa cháy, Chương có mặt sớm nhất tại hiện trường. Nhưng khi đến nơi, nhìn thấy khói bao trùm cả khu vực, không định hướng được ngọn lửa xuất phát từ đâu, một mặt Chương gọi điện xin lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Sở chi viện, mặt khác tiếp tục tìm phương án chữa cháy. Chiến đấu với giặc lửa suốt 5 giờ đồng hồ cũng là lúc không ai nhận ra những chiến sĩ Cảnh sát PCCC bởi tất cả đều bị khói hun đen nhẻm, mặt mày lấm lem, mồ hôi nhễ nhại.

Đại úy Trương Huy Chương tâm sự rằng, trong nghề nghiệp, ai cũng muốn có nhiều việc để làm nhưng làm nghề chữa cháy thì cầu mong mình “thất nghiệp”, nghĩa là phải làm sao đó hằng ngày không phải xuất xe đi chữa cháy, không thấy cảnh người dân khóc lóc khi tài sản bị thiêu rụi. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì công tác phòng ngừa luôn được cảnh sát PCCC chú trọng, trong đó lấy khâu thực tập phương án làm trọng tâm.

Từ khi thành lập Phòng Cảnh sát PCCC Hải Châu đến nay, Chương đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo phòng, trực tiếp thực hiện 15 phương án chữa cháy tại các nhà cao tầng, cơ sở kinh tế trọng điểm, trong đó có 2 phương án chữa cháy với nhiều lực lượng tham gia là Hoàng Anh Gia Lai Plaza và Vĩnh Trung Plaza. Mỗi lần lập phương án, Chương có nhiều buổi huấn luyện cho lực lượng chữa cháy tại chỗ trước khi tổ chức thực tập. Điều làm anh vui là cứ mỗi phương án diễn tập, người đứng đầu cơ sở đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác PCCC, qua đó đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ tốt hơn công tác phòng cháy. Còn lực lượng chữa cháy tại chỗ nắm vững các nguyên tắc chữa cháy, cứu người và tài sản, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ban đầu khi có cháy nổ xảy ra.

Không dừng lại ở đó, Đại úy Chương còn thường xuyên lặn lội đến từng khu dân cư, chợ, huấn luyện các phương án chữa cháy cho lực lượng dân phòng, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy và cách phòng cháy. Sự tận tụy của người Đội trưởng chữa cháy gương mẫu khiến ai cũng quý mến, cảm phục...

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.