.

Khó cảm hóa thiếu niên chậm tiến

.

Gia đình và đối tượng cần được cảm hóa không hợp tác mà lại đưa ra “yêu sách” kiểu được voi đòi tiên… là những khó khăn khiến công tác cảm hóa, giáo dục thiếu niên chậm tiến của tổ chức Đoàn vất vả hơn.

Cảm hóa thiếu niên chậm tiến là quá trình lâu dài. Trong ảnh: Đoàn thiếu niên chậm tiến đến thăm Trại tạm giam Hòa Sơn vào tháng 7 vừa qua.
Cảm hóa thiếu niên chậm tiến là quá trình lâu dài. Trong ảnh: Đoàn thiếu niên chậm tiến đến thăm Trại tạm giam Hòa Sơn vào tháng 7 vừa qua.

“Lắm chiêu”!

Năm 2012, Quận Đoàn Thanh Khê nhận giúp đỡ, cảm hóa 9 thiếu niên chậm tiến đang sinh sống trên địa bàn. Hầu hết các em có thái độ hợp tác nhưng cũng có trường hợp cả gia đình lẫn đối tượng không muốn nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào. Ngược lại, cũng có gia đình nhận ra đây là “cuộc đua” giữa các ban, ngành và là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với những người được phân công giúp đỡ nên bắt đầu có biểu hiện đòi hỏi “quyền lợi”.

Như trường hợp em T.T.K.N (SN 1995, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Sau khi được Quận Đoàn đề xuất kinh phí học nghề trang điểm, N. chia sẻ có nguyện vọng mua xe đi học. Nhưng khi Quận Đoàn đồng ý hỗ trợ tiền mua xe đạp thì N. không chịu mà muốn mua... xe máy điện. Nhưng để mua một chiếc xe máy điện mới phải từ 7 - 10 triệu đồng, số tiền này nằm ngoài khả năng hỗ trợ nên Quận Đoàn tìm mua một xe máy điện cũ giá 4 triệu đồng. Thấy những đòi hỏi của mình dễ dàng được chấp nhận nên khi biết sẽ được nhận chiếc xe máy điện cũ, N. nhất quyết không lên trụ sở Quận Đoàn, thậm chí còn muốn được nhận tiền để tự mình mua. Chỉ sau khi bị dọa cho đi cải tạo, N. mới chịu đến nhận xe, nhưng cũng không quên đề nghị được tự chọn kiểu dáng.

Ngoài một số đối tượng “lắm chiêu” như N., nhiều cán bộ Quận Đoàn Thanh Khê cũng vấp phải sự bất hợp tác từ phía gia đình của một số em. Anh Nguyễn Thanh Hiếu, cán bộ Quận Đoàn Thanh Khê chia sẻ: “Anh em mình là cán bộ Đoàn, vừa trẻ, có người còn thiếu kinh nghiệm nên có gia đình khi đến gặp thì họ không tiếp. Trường hợp khác, có những em chỉ vì một lần đánh bạn trên lớp đã bị xếp vào danh sách thiếu niên chậm tiến, trong khi bản chất của các em rất tốt. Khi chúng tôi đến nhà và đề cập đến việc giúp đỡ thì bị gia đình họ từ chối thẳng thừng với lý do con họ không làm gì xấu cả. Đánh bạn chỉ là một phút bốc đồng chứ không phải diễn ra nhiều lần. Những trường hợp như vậy, gia đình và bản thân các em rất mặc cảm”.

Cũng từ thực tế này, nhiều cán bộ Đoàn khi tìm hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân phạm lỗi của các em đã có lúc bối rối, thậm chí không biết phải giúp như thế nào, vì bản thân một số em chưa đến mức phải bị gán cho cái mác “thiếu niên chậm tiến”.

Một khó khăn khác trong việc cảm hóa, giáo dục thiếu niên chậm tiến hiện nay là nhiều em chuyển chỗ ở thường xuyên. Trong số 9 thiếu niên chậm tiến mà Quận Đoàn Thanh Khê nhận cảm hóa đến nay, có 4 em đã theo gia đình chuyển đến các quận, huyện khác sinh sống. Huyện Đoàn Hòa Vang cũng gặp những trường hợp tương tự bởi khi nhận cảm hóa 8 em thì có đến 3 em đã di chuyển chỗ ở. Có em đi theo gia đình nhưng cũng có em sau một thời gian đi xa lại quay về. “Để giúp đỡ và cảm hóa một em chậm tiến phải có quá trình lâu dài, linh động, nhưng có em thay đổi chỗ ở thường xuyên khiến công tác của mình cũng bị đứt gánh giữa chừng”, anh Nguyễn Văn Phước, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho biết.

Phải sâu sát với các em

Theo anh Hồ Văn Dũng, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê, để công cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ của thành phố đối với các thiếu niên chậm tiến có hiệu quả, đúng đối tượng, cần làm kỹ công tác khảo sát từ cơ sở; đề xuất “đúng người đúng tội”, nếu không sẽ khiến nhiều em bị mang tiếng oan và gia đình các em cũng có tâm lý mặc cảm.

Bên cạnh đó, có những trường hợp giúp các em tiến bộ phải song song với việc giúp đỡ gia đình các em bớt khó khăn vì phần lớn các thiếu niên chậm tiến đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, không được quan tâm. Như trường hợp em T.T.K.N kể trên, khi cán bộ Quận Đoàn Thanh Khê đến nhà N. mới phát hiện được em trai của N. mới học lớp 8 nhưng cũng vừa xin nghỉ học. “Trường hợp của gia đình N., Quận Đoàn đã phải tổ chức họp và quyết định giúp đỡ luôn em trai của N. Quận Đoàn đã vận động, mua sách vở, áo quần và xin cho N. đi học lại bổ túc. Nếu không kịp thời giúp đỡ, cậu bé có thể đi theo vết xe đổ của chị gái”, anh Hồ Văn Dũng nói.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.